Thông tin trên được PGS-TS Nguyễn Đình Thọ, Viện trưởng Viện Chiến lược, Chính sách tài nguyên và môi trường (Bộ TN-MT) nêu ra tại cuộc tọa đàm do Báo Đại biểu nhân dân tổ chức tại Hà Nội, ngày 23-12.
Theo các ý kiến tại tọa đàm, việc Quốc hội ban hành Luật Bảo vệ môi trường (sửa đổi) năm 2020 đã tạo ra nền tảng pháp lý quan trọng nhằm thúc đẩy kinh tế tuần hoàn và định hướng phát triển xanh tại Việt Nam. Luật có nhiều nội dung liên quan trực tiếp đến phát triển xanh và kinh tế tuần hoàn, tập trung vào bốn tiêu chí.
Một là, hiệu quả sử dụng năng lượng, trong đó giảm việc tiêu thụ nguyên nhiên vật liệu, đặc biệt là vấn đề hóa thân. Hai là, kéo dài vòng đời sản phẩm và vật liệu. Ba là, giảm rác thải và phát thải ra môi trường. Bốn là, không gây tác động xấu đến môi trường.
Đánh giá cao Luật Bảo vệ môi trường, TS. Hoàng Dương Tùng, Ủy viên Thường vụ Hội Bảo vệ thiên nhiên và môi trường Việt Nam cho rằng, hiện có rất nhiều thị trường chỉ chấp nhận những sản phẩm xanh. “Mặc dù chúng ta đã có quy định nhưng việc thực hiện chuyển đổi sang kinh tế tuần hoàn vẫn còn nhiều lúng túng”, TS Tùng nhận xét.
Vướng mắc đầu tiên phải kể đến là vốn đầu tư, kế đến là vấn đề về công nghệ. Trong khi các ngân hàng, các tổ chức tài chính muốn cho doanh nghiệp “xanh” vay, nhưng hiện vẫn rất thiếu những tiêu chí cụ thể (bao gồm hướng dẫn kỹ thuật về các tiêu chuẩn, quy chuẩn, thủ tục chuyển đổi) để triển khai.
TS Nguyễn Đình Thọ cũng cho rằng, khả năng tiếp cận vốn “xanh” và vấn đề đào tạo nguồn nhân lực là những khó khăn lớn nhất. Nếu không sớm khắc phục được điều này, chúng ta sẽ mất cơ hội tiếp cận, sử dụng nguồn tài chính khí hậu khổng lồ mà được dành cho các nước đang phát triển.