Báo cáo mà ông Lê Quang Mạnh trình bày mặc dù đánh giá khái quát tình hình năm 2018 rất khả quan, song vẫn thẳng thắn chỉ ra nhiều tồn tại, hạn chế. Chẳng hạn, công tác điều hành và thực hiện mục tiêu kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô của chính sách tiền tệ, trong đó có tỷ giá và lãi suất còn tiềm ẩn nhiều rủi ro và thách thức do độ mở của nền kinh tế lớn, khả năng chống chịu của nền kinh tế chưa thực sự vững chắc.
Việc thực hiện 3 đột phá trong chiến lược phát triển kinh tế - xã hội năm 2011 - 2020 nhìn chung còn chậm, mô hình tăng trưởng chưa thực sự đổi mới, phụ thuộc nhiều vào các yếu tố đầu vào thay vì đổi mới công nghệ; cơ cấu lại các ngành, lĩnh vực còn tiềm ẩn yếu tố thiếu bền vững; Nhiệm vụ cải thiện môi trường kinh doanh còn nhiều khó khăn, thách thức…
Trong lĩnh vực văn hóa-xã hội, báo cáo cung cấp thông tin đáng lưu ý: “Năm 2018, Việt Nam được đánh giá là một trong 10 hệ thống giáo dục hàng đầu của thế giới nằm ở khu vực Đông Á - Thái Bình Dương”.
Tuy giáo dục được đánh giá cao như đã nêu, song báo cáo cũng thừa nhận, việc để xảy ra sai phạm trong tổ chức thi phổ thông ở một số địa phương cũng như bất cập trong biên soạn, phát hành sách giáo khoa phổ thông vẫn gây bức xúc dư luận. Tình hình bạo lực, xâm hại trẻ em, đặc biệt là xâm hại tình dục diễn biến phức tạp ở nhiều địa bàn khác nhau.
Về tình hình kinh tế - xã hội năm 2019, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, quý 1 vẫn giữ được xu thế tích cực từ cuối năm 2018. Kinh tế vĩ mô ổn định, lạm phát được kiểm soát thấp nhất trong 3 năm gần đây.
Tuy nhiên, bên cạnh những khó khăn, hạn chế cũ, nền kinh tế cũng phải đối diện với nhiều thách thức mới. Thiên tai, dịch bệnh diễn biến phức tạp, có khả năng ảnh hưởng đến sản xuất, kinh doanh những tháng tiếp theo và khả năng thực hiện mục tiêu tăng trưởng kinh tế 2019, trong khi đó, các động lực chính cho tăng trưởng vẫn chưa thực sự mạnh mẽ, dư địa nới lỏng chính sách tiền tệ và tài khóa để thúc đẩy tăng trưởng còn rất hạn chế.
Công nghiệp chế biến, chế tạo được coi là nòng cốt tăng trưởng của nền kinh tế nhưng đang có dấu hiệu tăng chậm lại. Ngành khai khoáng tiếp tục gặp khó khăn với mức tăng trưởng âm, tạo ra gánh nặng cho nền kinh tế...
Cũng tại phiên họp này, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã gửi đến Ủy ban Kinh tế báo cáo bổ sung đánh giá kết quả điều hành chính sách tiền tệ và hoạt động ngân hàng năm 2018 để phục vụ công tác thẩm tra.
Bản báo cáo nêu, trong 4 tháng đầu năm 2019, thị trường tiền tệ, tín dụng tương đối ổn định. Liên quan đến xử lý nợ xấu, theo báo cáo, tỷ lệ nợ xấu nội bảng tiếp tục được duy trì ở mức dưới 3%, đến cuối tháng 2-2019 là 2,09%.
Ngân hàng Nhà nước đề xuất Chính phủ đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án lớn (như dự án đường cao tốc Bắc - Nam…); đẩy nhanh tiến độ thoái vốn Nhà nước tại các tập đoàn, công ty lớn, nhằm tăng lượng hàng hóa trên thị trường, giúp nhà đầu tư có thêm cơ hội đầu tư vào các hàng hoá có chất lượng, qua đó ổn định tâm lý nhà đầu tư, giảm thiểu tâm lý tiêu cực trên thị trường ngoại tệ.
Ngân hàng Nhà nước cũng kiến nghị Chính phủ trình Quốc hội nghiên cứu sửa đổi Bộ luật Hình sự, xử lý tội phạm hoạt động tín dụng đen với những chế tài cụ thể, rõ ràng và nghiêm khắc hơn để hạn chế hoạt động vi phạm pháp luật liên quan đến tín dụng đen.