Chính sách kịp thời
Trong bài viết có tựa đề “Kinh tế Việt Nam vượt qua cơn bão Covid-19” đăng trên hãng tin Bernama (Malaysia), Việt Nam đã chuyển chiến lược từ “Zero Covid” sang thích ứng an toàn, linh hoạt và kiểm soát hiệu quả đại dịch, giúp duy trì các hoạt động kinh tế. Để có một nền tảng vĩ mô vững chắc, chính phủ đã đưa ra các hỗ trợ chưa từng có cho người dân và doanh nghiệp bị ảnh hưởng do dịch Covid-19, đồng thời thực hiện các điều chỉnh chính sách kịp thời. Mỗi địa phương cũng áp dụng những cách thức riêng trong việc thực hiện các chính sách và chủ trương của chính phủ nhằm đạt được mục tiêu kép là vừa chống đại dịch, vừa phát triển kinh tế. Những chính sách và chiến lược như vậy đã củng cố niềm tin của người dân vào chính phủ, đồng thời khuyến khích người dân chung tay ngăn chặn đại dịch và phát triển kinh tế.
Hãng tin Bernama nêu rõ kim ngạch ngoại thương vượt 660 tỷ USD, tăng 21%, với thặng dư thương mại khoảng 2,1 tỷ USD. Đáng chú ý, vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đổ vào Việt Nam đạt hơn 29 tỷ USD, tăng gần 500 triệu USD so với năm 2020. GDP trong năm 2021 ước tính tăng 2,58% so với năm 2020.
Trong khi đó, hãng Bloomberg đưa tin, trong năm 2021, ước tính tăng trưởng GDP của Việt Nam là 2,58%, cao hơn so với dự báo của Bloomberg là 2,2%. Con số này cũng cao hơn so với dự báo của Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) là 2%.
Những tín hiệu tươi sáng
Theo hãng tin Sputnik, dù dịch Covid-19 gây ảnh hướng nặng nề cho nền kinh tế thế giới, nhưng Việt Nam vẫn nỗ lực duy trì mức tăng trưởng GDP dương, thậm chí xuất khẩu đạt kỷ lục mới. Do dịch Covid-19, Việt Nam đã buộc phải thực hiện biện pháp giãn cách nghiêm ngặt. Đến cuối năm 2021, với tỷ lệ phủ vaccine cao, tốc độ tiêm chủng nhanh, kinh tế Việt Nam hồi phục mạnh mẽ với những tín hiệu tươi sáng. Các doanh nghiệp phục hồi sản xuất nhanh chóng. Ngoài ra, việc thực hiện các hiệp định thương mại (FTA) hiệu quả cũng được coi là yếu tố quan trọng đóng góp cho lĩnh vực xuất nhập khẩu năm 2021. Theo Tổng cục Hải quan Việt Nam, tính từ đầu năm 2021 đến hết ngày 15-12, xuất khẩu của Việt Nam đạt 317,45 tỷ USD, tăng 18,7%, tương ứng tăng 50,12 tỷ USD so với cùng kỳ năm 2020.
Nhìn vào các chỉ số quan trọng của nền kinh tế Việt Nam, có thể thấy, quốc gia Đông Nam Á này vẫn làm được những điều “phi thường”. Trong khi biến thể Delta và sau đó là biến thể Omicron khiến nhiều nước trên thế giới chao đảo, Việt Nam vẫn duy trì được mức tăng trưởng dương trên 2%. Nông nghiệp tiếp tục là trụ đỡ của nền kinh tế, đảm bảo an ninh lương thực quốc gia, đóng góp lớn cho xuất khẩu của cả nước. Xuất nhập khẩu của Việt Nam lần đầu tiên vượt mốc trên 660 tỷ USD, tăng trên 21%, thậm chí là 22%.
Bước qua năm 2021 đầy khó khăn, biến động, hướng đến năm 2022, nhiều tổ chức, thể chế kinh tế - tài chính và giới chuyên gia vẫn lạc quan về triển vọng tăng trưởng của kinh tế Việt Nam. Giám đốc ADB tại Việt Nam, ông Andrew Jeffries, đánh giá Việt Nam là nền kinh tế có độ mở lớn nên ảnh hưởng của dịch Covid-19 rất nặng nề, nhưng đến nay, các đối tác thương mại lớn của Việt Nam đang trên đà phục hồi nhanh chóng, từ đó thúc đẩy giao thương mạnh mẽ hơn. Khu vực châu Á sẽ chứng kiến sự phục hồi xuất khẩu vượt trội và Việt Nam tiếp tục tận dụng được cơ hội để tăng tốc xuất khẩu. ADB cho rằng Việt Nam cần tận dụng thật tốt và hội nhập sâu rộng thông qua hệ thống 15 FTA đã được ký kết.