Còn theo hãng tin CNBC (Mỹ), từng bị cô lập và từng là một trong những nước nghèo nhất thế giới, nhưng trong 3 thập kỷ qua, Việt Nam đã trở thành một trung tâm sản xuất với sự có mặt của các tập đoàn quốc tế lớn như Intel, Samsung, adidas và Nike... Khả năng của Việt Nam phát triển mạnh trong bối cảnh nền kinh tế toàn cầu bị đình trệ đáng được đánh giá cao.
Trong khi đó, Brookings Institution - tổ chức phi lợi nhuận có trụ sở tại Washington có bài viết nhận định, Việt Nam là một trong những quốc gia đạt được thành công kinh tế lớn nhất trong những năm đầu thế kỷ XXI. Sau 3 thập kỷ tăng trưởng liên tục, Việt Nam đã trở thành một nền kinh tế với thu nhập bình quân đầu người tăng mạnh. Ngoài động lực lớn nhất góp phần cho sự tăng trưởng của Việt Nam là lao động giá rẻ, 4 phương hướng phát triển chính sẽ giúp Việt Nam tránh rơi vào bẫy thu nhập trung bình, đó là tăng vốn đầu tư vào sản xuất; đào tạo lực lượng lao động với các kỹ năng của thế kỷ 21; khuyến khích đổi mới và hoàn thành việc tạo ra cơ chế thị trường.
Hãng thông tấn Prensa Latina của Cuba dẫn số liệu của tạp chí US News &World Report, viết: “Việt Nam đứng đầu Đông Nam Á và đứng thứ 8 trong số 20 quốc gia tốp đầu có nền kinh tế tốt nhất để đầu tư. Các thông số được đánh giá cao nhất là sự ổn định và năng động của nền kinh tế, môi trường tài chính, công nghệ, khả năng đổi mới, tinh thần khởi nghiệp, lực lượng lao động lành nghề”.