Theo Báo cáo Kinh tế vĩ mô quý 2 vừa được Viện Nghiên cứu chính sách phát triển (VEPR) công bố chiều 10-7 tại Hà Nội, mặc dù đã có sự phục hồi trong Quý 2, các chỉ báo đang cho thấy kinh tế Việt Nam ngày càng trở nên phụ thuộc vào khu vực có vốn đầu tư nước ngoài.
“Tỷ trọng xuất khẩu của khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) tăng nhanh cho thấy Việt Nam ngày càng phụ thuộc nhiều hơn vào sản lượng của khu vực có vốn đầu tư nước ngoài, đặc biệt một số công ty lớn như Samsung.
Nếu như năm 2009, xuất khẩu của khu vực FDI chỉ chiếm 32,9% tổng xuất khẩu thì còn số này đã tăng lên 70,2% năm 2016 và 72,4% trong nửa đầu năm 2017”, TS Nguyễn Đức Thành, Viện trưởng VEPR nói.
Với dòng FDI lớn, vốn đầu tư toàn xã hội khu vực này liên tục tăng ở mức cao trong những năm gần đây. Dù suy giảm trong nửa cuối năm 2017, dòng vốn từ khu vực FDI đã phục hồi đáng kể trong nửa đầu năm 2017. Trong khi đó, lượng lao động sử dụng tại các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài trong lĩnh vực công nghiệp tiếp tục duy trì mức tăng trưởng cao. Ngược lại, số lao động sử dụng trong khu vực ngoài nhà nước đã giảm mạnh trong sáu tháng đầu năm 2017.
Những điều này cho thấy khu vực kinh tế trong nước đang ngày trở nên yếu thế so với khu vực có vốn đầu tư nước ngoài, đặc biệt trong bối cảnh quá trình hội nhập quốc tế đang được mở rộng.
Tuy nhiên, nhìn chung, báo cáo của VEPR nhận định, bước sang Quý 2, kinh tế Việt Nam đã có những dấu hiệu hồi phục tích cực với mức tăng trưởng 6,17%, cao hơn so với cùng kỳ năm trước (5,78%). Dịch vụ và nông nghiệp tăng trưởng tốt được cho là động lực chính đóng góp vào sự phục hồi trong Quý 2. Tính chung sáu tháng đầu năm, tăng trưởng kinh tế đạt 5,73%, tăng nhẹ so với cùng kỳ năm 2016.