Triển vọng tích cực
Tiến sĩ Sanjay Kalra thuộc AMRO nhận định: “Nền kinh tế Việt Nam dự kiến sẽ tăng trưởng ở mức 6,3% trong năm 2022 và 6,5% vào năm 2023. Lạm phát dự báo sẽ được kiềm chế. Triển vọng tích cực này dựa trên nhu cầu bên ngoài mạnh mẽ, sự phục hồi tiêu dùng trong nước và các dòng vốn đầu tư lành mạnh, được thúc đẩy nhờ sự điều hành chính sách kinh tế vĩ mô phù hợp”.
Theo đánh giá, tình hình dịch Covid-19 do biến thể Omicron gây ra tại Việt Nam đã giảm mạnh vào tháng 4-2022 và Việt Nam đã nới lỏng các hạn chế biên giới cũng như các biện pháp kiểm soát trong nước. Tuy nhiên, sự phục hồi không đồng đều trên các lĩnh vực. Dù sản lượng của lĩnh vực sản xuất và dịch vụ đã vượt mức năm 2019, nhưng lĩnh vực dịch vụ vẫn còn nhiều khó khăn, đặc biệt là trong ngành du lịch, khách sạn và logistics.
Lạm phát giá tiêu dùng của Việt Nam dự kiến vẫn được kiềm chế dưới 3,5% năm 2022, khi các cơ quan chức năng lên kế hoạch sử dụng quỹ bình ổn giá xăng dầu và điều hành giá phù hợp để giảm áp lực do diễn biến giá năng lượng trên toàn cầu.
Thực hiện cải cách
Với tính chu kỳ của nền kinh tế, AMRO khuyến nghị Việt Nam cần có chính sách tài chính hỗ trợ doanh nghiệp, người yếu thế vào năm 2022. Chính sách này cần hỗ trợ có mục tiêu cho những đối tượng tiếp tục chịu ảnh hưởng của đại dịch, nhất là lĩnh vực vi mô, các doanh nghiệp nhỏ và vừa và các hộ gia đình có thu nhập thấp.
Điều cần thiết là phải đảm bảo đáp ứng nhu cầu tài chính cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa, các hộ gia đình dễ bị tổn thương, đồng thời cung cấp đủ vốn cho các lĩnh vực có hiệu quả. Ngân hàng Nhà nước cần tiếp tục cho phép tỷ giá hối đoái linh hoạt hơn, để cân bằng các mục tiêu tăng trưởng, lạm phát và ổn định lĩnh vực tài chính.
Về mặt ổn định tài chính, AMRO cho rằng Việt Nam cần có các nỗ lực gia tăng nguồn vốn dự phòng để chuẩn bị cho sự suy giảm tài sản do chính sách hoãn nợ sắp hết hiệu lực. Việt Nam cũng cần có một khuôn khổ chính sách bảo mật vĩ mô để giải quyết tình trạng mất cân đối trên thị trường bất động sản.
Theo AMRO, khi đạt được tiến bộ vượt ra khỏi vị trí quốc gia có thu nhập trung bình thấp, Việt Nam cần cải cách nhiều lĩnh vực và điều chỉnh chính sách huy động tài chính cho tăng trưởng, phát triển và cần củng cố hơn nữa lòng tin của nhà đầu tư.
Chia sẻ với tờ China Daily, chuyên gia Bai Ming, Phó Chủ nhiệm phụ trách nghiên cứu thị trường quốc tế, Viện Hợp tác kinh tế và thương mại quốc tế Trung Quốc, cho rằng Việt Nam đang trỗi dậy hết sức mạnh mẽ, sự chuyển dịch công nghiệp sang Việt Nam diễn ra tương đối nhanh, nhất là trong lĩnh vực dệt may. Ngoài lý do chi phí lao động thấp, dân số tương đối trẻ, nguồn nhân lực dồi dào, việc Việt Nam tham gia Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương và ký Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - Liên minh châu Âu đã góp phần thu hút các nhà đầu tư. |