Tại cuộc họp, các thành viên hội đồng đánh giá cao hiệu quả các giải pháp ổn định kinh tế vĩ mô mà Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương triển khai trong thời gian qua, góp phần duy trì tăng trưởng kinh tế ở mức cao từ quý 3-2017 tới nay và đạt mức cao nhất trong vòng 10 năm qua (tăng 7,41% trong quý 1-2018), kiểm soát tốt lạm phát (tăng 2,82%), lạm phát cơ bản tiếp tục ổn định, hoạt động thu ngân sách Nhà nước diễn ra bình thường, cán cân thanh toán thặng dư ở mức cao (8 tỷ USD) nhờ xuất siêu hàng hóa, kiều hối, vốn đầu tư nước ngoài, vay nợ ổn định... Thị trường chứng khoán trong quý 1-2018 tiếp tục tăng trưởng mạnh cả về quy mô và giá trị vốn hóa (hơn 4,1 triệu tỷ đồng), vượt mốc lịch sử năm 2017.
Các thành viên hội đồng cũng cho rằng kinh tế thế giới năm 2018 có dấu hiệu hồi phục tích cực, kinh tế trong nước tiếp tục tăng trưởng khả quan nhưng phải phối hợp chặt chẽ giữa chính sách tiền tệ và tài khóa để kiểm soát lạm phát theo mục tiêu đề ra (khoảng 4%), đồng thời theo dõi sát các diễn biến tăng lãi suất của Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed), chương trình cải cách thuế của nước này.
Chủ tịch Hội đồng tư vấn chính sách tài chính, tiền tệ quốc gia đề nghị các thành viên hội đồng tham mưu cho Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ trong điều hành chính sách tài chính, tiền tệ không chỉ cho năm 2018 mà cả tới năm 2020 để ổn định kinh tế vĩ mô, gia tăng sự chống chịu của hệ thống ngân hàng trước các biến động về chính sách tiền tệ trên thế giới. Theo Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ, kinh tế vĩ mô trong nước có nhiều khả quan ngay trong quý 1-2018. Dự báo thu, chi ngân sách theo đúng dự toán thì bội chi năm 2018 còn dưới mức 3,7% theo quy định của Quốc hội, nợ công cuối năm nay dự kiến ở mức 61,4%.
Cùng ngày, Tổng cục Thống kê đã tổ chức họp báo, công bố tăng trưởng quý 1-2018 tăng 7,38% so với cùng kỳ năm 2017. Trong mức tăng 7,38% của toàn nền kinh tế, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 4,05%, đóng góp 0,46 điểm phần trăm; khu vực công nghiệp và xây dựng tăng 9,70%, đóng góp 3,39 điểm phần trăm; khu vực dịch vụ tăng 6,70%, đóng góp 2,75 điểm phần trăm. Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 3-2018 giảm 0,27% so với tháng trước, trong đó 8/11 nhóm hàng hóa và dịch vụ có chỉ số giá giảm. Tính chung, CPI bình quân quý 1-2018 tăng 2,82% so với bình quân cùng kỳ năm 2017. CPI tháng 3-2018 tăng 0,97% so với tháng 12-2017 và tăng 2,66% so với cùng kỳ năm trước.
Về đầu tư, vốn đầu tư toàn xã hội thực hiện quý 1 theo giá hiện hành đạt khá, với 331,2 ngàn tỷ đồng, tăng 10,4% so với cùng kỳ năm trước và bằng 32,2% GDP. Trong đó, tổng số vốn đăng ký cấp mới và vốn tăng thêm từ đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) trong 3 tháng đạt 3,9115 tỷ USD, giảm 43% so với cùng kỳ năm 2017. Vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài thực hiện 3 tháng ước tính đạt 3,888 tỷ USD, tăng 7,2% so với cùng kỳ năm 2017. Trong 3 tháng đầu năm 2018 còn có 1.285 lượt góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài với tổng giá trị vốn góp là 1,8901 tỷ USD, tăng 121,6% so với cùng kỳ năm 2017.