Ở Việt Nam, một số ít doanh nghiệp sản xuất ngành hàng tiêu dùng bắt đầu sử dụng nhựa tái chế với tâm thế chấp nhận rủi ro và giảm lợi nhuận với sự kỳ vọng mở đường phát triển kinh tế tuần hoàn dù còn nhiều trở ngại, thách thức ở phía trước.
Chấp nhận rủi ro của các doanh nghiệp tiên phong!
Bảo vệ môi trường chắc chắn là điều cần thiết, nhưng phải thẳng thắn nhìn nhận rằng, khi không có lợi ích về kinh tế, quả thực rất khó để doanh nghiệp và người tiêu dùng để tâm vào vấn đề bảo vệ môi trường. Điều này càng khó hơn trong bối cảnh ảnh hưởng đại dịch Covid-19 hiện nay, không ít sáng kiến về môi trường phải tạm dừng để nhường chỗ cho ưu tiên sống còn của doanh nghiệp.
Thế nhưng, với La Vie, những sáng kiến vì môi trường bền vững vẫn được doanh nghiệp này tiếp tục thực hiện. Mới đây, Công ty TNHH La Vie, một thành viên của Tập đoàn Nestlé thông báo ra mắt sản phẩm sử dụng chai làm từ nhựa tái chế (rPET), như một nỗ lực thúc đẩy nền kinh tế tuần hoàn cho bao bì. Theo đó, đây là hãng nước khoáng đầu tiên tại Việt Nam sử dụng bao bì làm từ nhựa tái chế.
Sáng kiến được áp dụng ban đầu với sản phẩm nước khoáng thiên nhiên La Vie 700ml - chai 50% rPET và tiếp tục được mở rộng trong danh mục sản phẩm của công ty dựa trên nguồn cung nguyên liệu rPET của thị trường. Để có được kết quả này, La Vie đã phải chuẩn bị trong vài năm, từ lúc lên ý tưởng cho đến khi sản phẩm đến được tay người tiêu dùng.
rPET là loại nhựa được tạo ra từ vỏ chai PET đã qua sử dụng, với quy trình tái chế rất chặt chẽ để đáp ứng tiêu chuẩn an toàn vệ sinh của ngành thực phẩm và đồ uống. Ngoài ra, để có nguồn nguyên liệu sản xuất rPET, cần có hệ thống thu gom, phân loại, tinh lọc và tái chế chai nhựa.
Có một thực tế rất “đắng”, đó là hiện tại, việc sản xuất ra chai nhựa mới rẻ hơn nhiều so với phải đi tái chế chúng. Chỉ khi mô hình thu gom, phân loại và tái chế vỏ chai PET đã qua sử dụng - nguồn đầu vào cho sản xuất rPET - trở nên phổ biến và ngày càng hoàn thiện hơn thì mới có thể giảm chi phí này. Vì thế, các doanh nghiệp thực hiện vai trò mở đường phải chấp nhận những khó khăn ban đầu.
Theo ông Fausto Tazzi, Tổng Giám đốc của La Vie, hiện doanh nghiệp này phải nhập khẩu phôi chai nhựa rPET từ châu Âu với mức giá cao hơn từ 30%-50% so với nhựa mới. Chênh lệch lớn như vậy cũng có nghĩa là chi phí sản xuất tăng lên, song ông Tazzi cho biết La Vie chấp nhận giảm lợi nhuận.
“Chúng tôi làm ra sản phẩm này không đơn thuần vì lợi nhuận mà vì tương lai và sự đúng đắn. Chúng tôi là công ty đi đầu, dám chịu trách nhiệm và rủi ro”, ông Fausto Tazzi chia sẻ, và cho biết thêm từ 2018, La Vie cũng là doanh nghiệp đầu tiên tại Việt Nam ngưng sử dụng màng co nắp chai cho sản phẩm nước khoáng vì đây là phần bao bì nhựa khó thu gom, mặc dù khi ấy kết quả thăm dò ý kiến ban đầu cho thấy nhiều người tiêu dùng không chấp nhận việc loại bỏ màng co này. Ông hy vọng một ngày không xa La Vie không chỉ dừng lại chai 50% nhựa tái chế mà sẽ là 100% nhựa tái chế.
Theo PGS. TS. Nguyễn Hồng Quân, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển Kinh tế tuần hoàn (ICED), để có nền kinh tế tuần hoàn, chúng ta cần phải sử dụng nhựa tái chế, hạn chế nhựa mới. Tuy nhiên, chi phí chai nhựa tái chế lại cao hơn so với nhựa mới, điều này đòi hỏi các doanh nghiệp phải có tâm, có tầm, và phải hy sinh một phần lợi nhuận vì giá bán sản phẩm không thể tăng. “Doanh nghiệp nào tiên phong làm thì danh tiếng và sự ủng hộ của khách hàng thuộc về họ”, PGS Quân nhận định.
PGS.TS Nguyễn Hồng Quân cho biết thêm, việc doanh nghiệp sử dụng chai nhựa tái chế cũng là động thái giúp cộng đồng nhìn nhận rằng, chai nhựa sau khi sử dụng vẫn có thể được tái chế thành những sản phẩm mới được nhiều công ty lớn sử dụng. Từ đó, người tiêu dùng có thể thay đổi nhận thức, hành động trong việc thu gom, tái chế cũng như sử dụng vật liệu tái chế. Điều này cũng có tác động lớn đến các doanh nghiệp khác khi họ có thể học hỏi, nghiên cứu và ứng dụng một cách phù hợp vật liệu tái chế trong ngành hàng của mình.
Những viên gạch đầu tiên cho kinh tế tuần hoàn đối với bao bì nhựa
Hiện nay các công ty giải khát đối mặt nhiều thách thức trong việc sử dụng nhựa tái chế vì tại Việt Nam chưa có các doanh nghiệp sản xuất loại nhựa tái chế dùng cho thực phẩm. Vì thế, thông qua sáng kiến trên, La Vie đem đến tín hiệu cho thấy nhu cầu tiêu thụ nhựa tái chế rất lớn từ các công ty nước giải khát như La Vie, từ đó khuyến khích doanh nghiệp trong nước đầu tư sản xuất rPET để đẩy nhanh hơn nữa mô hình kinh tế tuần hoàn.
Có một tín hiệu vui trong lĩnh vực nhựa tái chế giá trị cao (nhựa tái chế dùng cho ngành thực phẩm) trong nước là vào tháng 7-2020 ngân hàng HSBC cho vay tín dụng xanh với một doanh nghiệp Việt Nam là Công ty CP Sản xuất nhựa Duy Tân để xây dựng nhà máy tái chế chai nhựa đã qua sử dụng thành chai nhựa mới. Dự án xây dựng nhà máy tái chế nhựa 60 triệu USD này được thực hiện tại huyện Đức Hòa (tỉnh Long An) đã hoàn thành và dự kiến bắt đầu sản xuất vào quý 1/2021.
Theo ông Lê Anh, Phó Tổng giám đốc Công ty CP Sản xuất nhựa Duy Tân, sản phẩm nhựa rPET được sản xuất từ những chai nhựa PET đã qua sử dụng được thu gom, sau đó phân loại kỹ càng và đưa vào qui trình tái chế. Tại đây, tất cả những sản phẩm này sẽ được xay nhỏ thành các hạt rPET để từ đó trở thành nguyên liệu đầu vào cho việc sản xuất các sản phẩm tiếp theo.
Một khi đã có doanh nghiệp sản xuất rPET tại Việt Nam thì vấn đề quan trọng không chỉ là giải pháp tái chế mà đòi hỏi phải có quy trình phân loại chai nhựa tại nguồn (từ người tiêu dùng đến đơn vị thu gom). Tuy nhiên, vấn đề này hiện rất khó khăn do ý thức của người dân chưa cao và công tác tuyên truyền chưa quyết liệt. Hiện tại Duy Tân thu gom các sản phẩm dùng để làm nguyên liệu tái chế thông qua các vựa ve chai (khu vực miền Nam) là chủ yếu.
Dù hiện VN chưa có 1 hệ thống hoàn chỉnh như thế nhưng theo PGS. TS. Nguyễn Hồng Quân, các doanh nghiệp có thể hợp tác với nhau để làm trước mô hình thu nhỏ. Chẳng hạn như có thể khuyến khích người tiêu dùng phân loại vỏ chai sạch ngay tại các siêu thị, điểm ăn uống, và dùng nguồn này cung cấp cho doanh nghiệp sản xuất nhựa rPET. Cứ thế có thể nhân rộng lên.
Để thúc đẩy mô hình phân loại, thu gom & tái chế rác thải tại Việt Nam, từ năm 2019, La Vie cùng các doanh nghiệp hàng đầu trong ngành hàng tiêu dùng nhanh và đóng gói đã hợp lực để thành lập Liên minh Tái chế Việt Nam (PRO Việt Nam). Theo PGS. TS. Nguyễn Hồng Quân, dù liên minh PRO Việt Nam mới được thành lập hơn 1 năm nay nhưng tập hợp được những doanh nghiệp lớn. “Họ đang làm và đang cố gắng tham gia rất nhiều”, ông Quân chia sẻ, và kỳ vọng những doanh nghiệp này sẽ đóng vai trò rất lớn trong việc dẫn dắt quá trình này để tạo được sự ảnh hưởng, chia sẻ đến những doanh nghiệp nhỏ hơn, làm sao để họ cũng có thể tham gia được nhưng không tạo gánh nặng, tạo ra những cơ hội chứ không phải là thách thức cho họ.
Theo đại diện của Duy Tân, hiện nhiều doanh nghiệp sản xuất hàng tiêu dùng nhanh tại Việt Nam tham gia PRO Việt Nam đã đặt tham vọng đến năm 2030 tất cả các bao bì đưa ra tiêu thụ trên thị trường sẽ được thu gom và tái chế. Vì thế Duy Tân có cái nhìn khả quan về việc nhà máy nhựa tái chế sẽ là động lực tiếp theo của công ty, dự kiến có thể đóng góp 20%-25% trong tổng doanh thu. Chính nhu cầu thị trường hiện tại và tiềm năng thị trường trong tương lai là những lực đẩy để Duy Tân nhanh chóng triển khai dự án.
Theo thông tin thêm từ La Vie, phôi chai nhựa rPET La Vie đang sử dụng được nhập khẩu từ châu Âu, đáp ứng tiêu chuẩn chất lượng rất khắt khe của châu Âu và Tập đoàn Nestlé (Thụy Sĩ). Bên cạnh đó, chai rPET này đáp ứng tiêu chuẩn an toàn vệ sinh đối với bao bì tiếp xúc trực tiếp với thực phẩm do Bộ Y tế Việt Nam ban hành - QCVN 12-1: 2011/BYT. Đây cũng chính là tiêu chuẩn đang áp dụng cho chai làm từ nhựa mới (nhựa nguyên sinh). Trên thực tế, nhựa rPET dùng cho ngành thực phẩm và đồ uống (F&B) đã khá quen thuộc tại các nước phát triển. Tại các nước thuộc Liên minh châu Âu, như Pháp, Tây Ban Nha, Bỉ,… Chính phủ không chỉ cho phép và còn khuyến khích doanh nghiệp sử dụng loại nguyên liệu này để thúc đẩy nền kinh tế tuần hoàn cho bao bì. Tại thị trường Mỹ, nhựa rPET dùng cho thực phẩm và đồ uống đã được nhiều tập đoàn lớn như Nestlé sử dụng từ cách đây nhiều năm. Để tạo ra được nhựa rPET đòi hỏi một quy trình phân loại, thu gom và tái chế rất chặt chẽ. Trong đó, vỏ chai nhựa sau khi sử dụng phải được phân loại từ người tiêu dùng cho đến đơn vị thu gom & tái chế. Bởi vì, nếu sản phẩm đầu vào của quy trình tái chế (tức chai nhựa PET) bị nhiễm bẩn, nhiễm dầu thì không thể tạo ra được loại nhựa rPET chất lượng cao dùng cho thực phẩm. Khi ấy, chai PET sau sử dụng chỉ có thể tái chế thành những sản phẩm có vòng đời tuần hoàn ngắn hơn, như hộp nhựa, thảm hay áo thun… |