Kinh tế tư nhân - đầu tàu kinh tế của TPHCM (bài 1)

TPHCM đặc biệt chú trọng đến việc tạo môi trường thuận lợi về thể chế và tâm lý xã hội cho sự phát triển của kinh tế tư nhân. 
Dây chuyền trứng sạch của Công ty Ba Huân Ảnh: VIỆT DŨNG
Dây chuyền trứng sạch của Công ty Ba Huân Ảnh: VIỆT DŨNG
         ĐƯA NGHỊ QUYẾT TRUNG ƯƠNG 5 (KHÓA XII) VÀO CUỘC SỐNG    
LTS: Hội nghị lần thứ 5 Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XII) đã biểu quyết thông qua 3 nghị quyết quan trọng gồm: “Phát triển kinh tế tư nhân trở thành một động lực quan trọng của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa”, “Tiếp tục cơ cấu lại, đổi mới và nâng cao hiệu quả doanh nghiệp Nhà nước” và “Hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa”. 3 nghị quyết quan trọng này khi đi vào thực hiện trong thực tế sẽ tạo nên bước phát triển mới về nhiều mặt của nền kinh tế, làm thay đổi một cách toàn diện tư duy chiến lược và định hướng phát triển kinh tế đất nước.
Với TPHCM - đầu tàu kinh tế của cả nước, việc đưa nhanh và vận dụng cách làm sáng tạo, hiệu quả các nội dung cơ bản của 3 nghị quyết quan trọng này sẽ tác động rất lớn đến kết quả thực hiện Nghị quyết Đại hội XII của Đảng và Nghị quyết X Đảng bộ TPHCM (nhiệm kỳ 2015-2020).
“Hiện nay, ở TPHCM tỷ lệ đầu tư vốn của tư nhân chiếm 63% nền kinh tế, chắc chắn trong tương lai còn tăng mạnh. Phải làm sao để kinh tế tư nhân phát triển vững chắc, đúng hướng và trở thành đầu tàu kinh tế của TP, của đất nước”, đồng chí Nguyễn Thiện Nhân, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TPHCM, đã nhấn mạnh như vậy trong phát biểu kết luận tại Hội nghị lần thứ 10, Ban Chấp hành Đảng bộ TPHCM (khóa X), diễn ra ngày 27 và 28-6 vừa qua. Kết luận mang tính chỉ đạo trên làm cơ sở để các sở ngành, quận huyện của TP đẩy mạnh triển khai chương trình hành động thực hiện Nghị quyết Trung ương 5 về “Phát triển kinh tế tư nhân trở thành một động lực quan trọng của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa”…
Nỗ lực cho mục tiêu 500.000 doanh nghiệp
Ở giai đoạn đầu thực hiện Nghị quyết 14-NQ/TW của Hội nghị Trung ương 5 (khóa IX) về “Tiếp tục đổi mới cơ chế chính sách, khuyến khích và tạo điều kiện phát triển kinh tế tư nhân” - cách nay 14 năm, TPHCM có khoảng hơn 10.000 doanh nghiệp (DN) ngoài nhà nước. Gần 10 năm sau (năm 2010), nâng lên 93.686 DN và từ giai đoạn 2010-2015 số DN tư nhân thành lập mới tăng bình quân mỗi tháng 2.000 DN. Ở thời điểm triển khai thực hiện Nghị quyết Trung ương 5, TPHCM có hơn 300.000 DN và đang tăng mạnh vào những tháng gần đây với quyết tâm phấn đấu đạt được mục tiêu 500.000 DN đến năm 2020 theo tinh thần Nghị quyết Đại hội Đảng bộ TPHCM lần thứ X đề ra.
Để triển khai thực hiện mục tiêu trên, TPHCM đặc biệt chú trọng đến việc tạo môi trường thuận lợi về thể chế và tâm lý xã hội cho sự phát triển của kinh tế tư nhân. Trong đó, theo Giám đốc Sở Nội vụ TP Trương Văn Lắm, chương trình cải cách hành chính sẽ được tập trung đẩy mạnh theo hướng tạo điều kiện tối đa cho người dân gia nhập thị trường dưới hình thức thành lập các loại hình DN.
TP một mặt đề cao trách nhiệm công vụ của cán bộ, công chức ở các cơ quan hành chính, một mặt rà soát, đơn giản hóa và bãi bỏ các thủ tục hành chính không cần thiết, tạo mọi thuận lợi và giảm tối đa thời gian, chi phí cho DN và người dân, thực hiện thủ tục thành lập DN đăng ký tại nhà… Về chính sách khuyến khích đầu tư, ngoài những quy định của Trung ương, TP sẽ tiếp tục triển khai một số chính sách riêng hỗ trợ DN phát triển đã thực hiện thời gian qua như: Chương trình kích cầu đầu tư, chương trình khuyến khích phát triển nông nghiệp công nghệ cao, phát triển công nghiệp hỗ trợ, hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp, chương trình kết nối ngân hàng - DN…  
Quá trình thực hiện những chính sách mang tính đột phá trên đã tạo tâm lý xã hội cho sự phát triển của kinh tế tư nhân, bảo đảm các yếu tố thuận lợi, kích thích cho phong trào khởi nghiệp của TP sẽ tăng mạnh trong thời gian tới, tập trung vào nhóm đối tượng khởi nghiệp là thanh niên, sinh viên, trí thức…
Hiện TP đã hỗ trợ hơn 300 dự án khởi nghiệp, gần 800 nhà khởi nghiệp sáng tạo, thông qua hoạt động tư vấn, đào tạo, kết nối, ươm tạo; tổ chức tập huấn, đào tạo, tư vấn cho gần 100 DN với hơn 200 lượt học viên về hệ thống quản lý chất lượng và các công cụ nâng cao năng lực, kiến thức và phương pháp tổ chức hoạt động về đổi mới sáng tạo, nâng cao năng suất, chất lượng. Kết quả của các chính sách hỗ trợ này đã tạo tâm lý xã hội cho sự phát triển của nền kinh tế tư nhân và gợi mở, định hướng sự thay đổi về thể chế, chính sách, khuyến khích đẩy nhanh tiến trình hình thành và mở rộng hoạt động của các loại hình DN tư nhân tham gia sâu, mạnh mẽ hơn nữa vào nền kinh tế đất nước.
Tuy nhiên, trong quá trình thực thi các chính sách khuyến khích tăng trưởng khu vực kinh tế tư nhân, TPHCM cũng đối mặt với nhiều thách thức, trở ngại do hệ thống chính sách pháp luật của chúng ta chậm được hoàn thiện so với yêu cầu thực tế. Trong đó, chủ yếu là chính sách đất đai, chính sách tài chính, tín dụng, chính sách lao động - tiền lương, chính sách hỗ trợ về đào tạo, khoa học công nghệ. TP xác định, đây là “nút thắt” cần được tháo gỡ mạnh mẽ hơn nữa trong thời gian tới, nhằm bảo đảm tối đa sự thuận lợi cho môi trường kinh doanh và sức cạnh tranh của nền kinh tế để kinh tế tư nhân phát triển, góp phần hoàn thành mục tiêu thành lập 500.000 DN như Nghị quyết Đại hội Đảng bộ TPHCM lần thứ X đề ra.
Tạo cơ chế thuận lợi
Theo PGS-TS Trần Hoàng Ngân, Giám đốc Học viện Cán bộ TPHCM, những năm qua, kinh tế tư nhân đóng góp vào GDP của TPHCM khoảng hơn 50%, hiện nay là 60%, trong tương lai sẽ tăng mạnh nếu chúng ta có một cơ chế thuận lợi để hỗ trợ phát triển. Trong đó, bài toán vốn cho phát triển của TPHCM đang là “điểm nghẽn” cần được tháo gỡ bằng cơ chế, chính sách pháp luật cụ thể, để làm sao mọi thành phần kinh tế, đặc biệt là kinh tế tư nhân có thể tham gia đầu tư vào những lĩnh vực và chương trình trọng điểm của TP.
“Hiện nay, tổng vốn đầu tư của TPHCM cho 7 chương trình trọng điểm lên tới hơn 326.000 tỷ đồng. Trong khi nhu cầu cân đối đưa vào kế hoạch chỉ mới khoảng 171.000 tỷ đồng (hơn 52%). Như vậy, một khoản vốn rất lớn mà TP không biết dùng cơ chế, chính sách gì để huy động các thành phần kinh tế tham gia góp vốn vào các chương trình, dự án phát triển. Không đủ vốn đáp ứng cho yêu cầu này, lập tức ảnh hưởng ngay đến tốc độ tăng trưởng kinh tế, bởi vì sự đóng góp của vốn vào tăng trưởng hiện nay ít nhất là 50%”, PGS-TS Trần Hoàng Ngân cho biết.
Từ thực tế trên, theo nhiều nhà nghiên cứu kinh tế, TPHCM cần đẩy mạnh việc giải quyết bài toán vốn theo hướng tiếp tục kiến nghị với các cấp trung ương có sự thay đổi, điều chỉnh, cải cách mạnh mẽ hơn nữa thể chế và các luật hiện hành. Ủy ban Thường vụ Quốc hội cần có một nghị quyết dành riêng cho TPHCM điều chỉnh một số quy định pháp luật hiện hành, trong điều kiện đối với một đô thị đặc biệt phải có những cơ chế đặc biệt để hỗ trợ. 
Như Thủ tướng Chính phủ đã nói: “Cơ cấu kinh tế TPHCM phản ánh tương lai của đất nước”. Hiện nay, thành phần kinh tế tư nhân chiếm gần 60% kinh tế TP, kinh tế Nhà nước là 20%, đầu tư nước ngoài 15%. Điều đó cho thấy, kinh tế tư nhân đóng một vai trò quan trọng trong cơ cấu nền kinh tế của TPHCM. Vai trò của kinh tế tư nhân trong tương lai sẽ tăng rất mạnh. Để trả lời câu hỏi: Vốn ở đâu cho TPHCM phát triển, phải có cách thu hút nguồn lực từ đầu tư nước ngoài và thành phần kinh tế tư nhân. Đấy là nguồn lực quan trọng nhất mà trong quy hoạch cần làm tốt để thu hút đầu tư từ khu vực tư nhân…
Đồng chí NGUYỄN THIỆN NHÂN,
Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TPHCM
Về giải pháp tổng thể phát triển kinh tế tư nhân theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 5, TPHCM đặc biệt chú trọng đến vấn đề hoàn thiện cơ chế, chính sách, nhằm thực hiện có hiệu quả các cam kết hội nhập trên địa bàn; nâng cao năng lực nghiên cứu, dự báo xu hướng thị trường thế giới để kịp thời điều chỉnh chính sách phát triển cho phù hợp; đẩy mạnh cải cách hành chính, cải thiện môi trường kinh doanh; tăng cường kiểm tra, giám sát trong thực thi công vụ, thường xuyên kiểm tra tiến độ thực hiện các chỉ đạo của UBND TPHCM để bảo đảm kỷ cương, kỷ luật trong bộ máy hành chính, qua đó tạo sự chuyển biến đồng bộ trong bộ máy nhà nước theo tinh thần phục vụ tốt nhất cho DN, tất cả vì sự phát triển của DN. Trong nhóm 9 biện pháp tổ chức thực hiện các nội dung trên, TP đặc biệt chú trọng đến triển khai thành lập Tổ công tác liên ngành một cửa để xem xét các dự án đầu tư trong và ngoài nước.
Tổ công tác liên ngành một cửa có trách nhiệm hoàn chỉnh mọi thủ tục đầu tư cho đến khi dự án được khởi công và hoàn thành, DN chỉ cần nộp hồ sơ và nhận kết quả một nơi mà không cần thông qua bất kỳ sở ngành nào khác. Đây được coi là biện pháp tạo ra môi trường đầu tư thuận lợi nhất để các thành phần kinh tế tư nhân mở rộng đầu tư phát triển, tăng nhanh số DN được thành lập và đi vào hoạt động trong thời gian tới.

Tin cùng chuyên mục