Tại cuộc gặp mặt, các doanh nhân đánh giá cao nỗ lực của Chính phủ trong việc tạo điều kiện thuận lợi cho DNTN và nêu một số kiến nghị như mong muốn Chính phủ tiếp tục đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, đơn giản hóa, giảm bớt các thủ tục, dành cho DNTN những việc mà doanh nghiệp có thể làm được. Các doanh nhân mong muốn Chính phủ tạo môi trường kinh doanh bình đẳng, công bằng để doanh nghiệp phát triển. Các từ khóa mà Thủ tướng nêu ra để phát triển khu vực kinh tế tư nhân “bình đẳng”, “được bảo vệ”, “khích lệ” và “trao cơ hội” là những điều mà doanh nhân rất cần, nhất là “được bảo vệ”. Giới doanh nhân cũng mong muốn Chính phủ tăng cường chống tham ô, lãng phí, tiêu cực, chống tình trạng “phong bao, phong bì”. Các doanh nhân cam kết, nếu được tạo thuận lợi, kinh tế tư nhân có thể đóng góp tới 80% GDP chứ không chỉ 40% như hiện nay.
Ghi nhận các ý kiến của DNTN, Thủ tướng nêu rõ, nền kinh tế Việt Nam là nền kinh tế nhiều thành phần và đều bình đẳng trước pháp luật, đều được tạo điều kiện phát triển. Trong đó, kinh tế tư nhân được xác định là một động lực quan trọng để phát triển đất nước. Hiện kinh tế tư nhân đóng góp trên 40% GDP và có xu hướng ngày càng tăng, trong đó DNTN góp khoảng 10%, còn lại là kinh tế hộ. Hiện có nhiều DNTN Việt Nam lớn mạnh, có nhiều sản phẩm uy tín trên thị trường quốc tế. Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đã khẳng định tinh thần không được thành kiến với kinh tế tư nhân, cần phải bình đẳng, công bằng đối với kinh tế tư nhân, phát triển mạnh mẽ hệ thống doanh nghiệp Việt Nam lớn mạnh.
Theo Thủ tướng, chúng ta phải xây dựng một nền kinh tế tự cường trong hội nhập quốc tế. Vì vậy, phải có đội ngũ doanh nghiệp với các loại hình doanh nghiệp, trong đó có DNTN Việt Nam và việc thúc đẩy khu vực này phát triển là một trong những nhiệm vụ rất quan trọng của Chính phủ nhiệm kỳ này. “Làm thế nào để DNTN Việt Nam gia tăng nhanh chóng về quy mô, về số lượng, sức cạnh tranh trên thị trường cả trong và ngoài nước, từ đó, tiến vào các lĩnh vực giá trị cao trên chuỗi cung ứng toàn cầu? Chính các doanh nghiệp cũng cần tập trung trả lời câu hỏi này hay góp ý cho Chính phủ giải quyết câu hỏi đó” - Thủ tướng đặt vấn đề.
Thủ tướng mong cộng đồng DNTN có khát vọng làm giàu chính đáng, làm giàu bằng trí tuệ, bản lĩnh, kinh nghiệm của mình, đồng thời trong quá trình ấy, có chiến lược, chiến thuật hợp lý, kiểm soát tốt rủi ro kinh doanh, làm sao đóng góp nhiều hơn cho chất lượng, hiệu quả tăng trưởng, kể cả giải quyết việc làm, thu ngân sách, đổi mới sáng tạo; kinh doanh liêm chính, quan tâm tới trách nhiệm xã hội, phát triển xanh, bền vững, có ý thức bảo vệ môi trường, tuân thủ pháp luật, cam kết quốc tế; tham gia chống tham nhũng, tiêu cực trong kinh doanh, “nói không với tham nhũng, tiêu cực”; chú trọng hơn nữa phát triển nội lực, năng lực cạnh tranh, trong đó có con người và công nghệ, xây dựng thương hiệu…
Việt Nam phấn đấu không sử dụng đồ nhựa dùng một lần |