Chiều 3-5, Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi chủ trì phiên họp tình hình kinh tế - xã hội tháng 4. Cùng dự có các Phó Chủ tịch UBND TPHCM: Võ Văn Hoan, Nguyễn Văn Dũng, Bùi Xuân Cường; Phó Chủ tịch HĐND TPHCM Huỳnh Thanh Nhân; lãnh đạo Ủy ban MTTQ Việt Nam TPHCM, Ban Tuyên giáo Thành ủy TPHCM…
Báo cáo tại phiên họp, Giám đốc Sở KH-ĐT Lê Thị Huỳnh Mai cho biết, tiếp theo đà tăng trưởng quý 1, các chỉ số kinh tế - xã hội TPHCM trong quý 2 đều tăng so với cùng kỳ. Cụ thể, chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp tăng cao nhất kể từ năm 2022. Tổng mức hàng hóa bán lẻ và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tăng; dư nợ tín dụng trên địa bàn tăng dần qua từng tháng, đạt 9,5%. Bên cạnh đó, tổng thu cân đối ngân sách Nhà nước tăng 7,5%. Kiều hối về TPHCM tăng 35,4% (gần 2,869 tỷ USD).
Công tác chăm sóc sức khỏe và y tế được chú trọng và triển khai. Các hoạt động văn hóa, nghệ thuật trên địa bàn TP được tổ chức với nhiều hoạt động sôi nổi, đa dạng. Hoạt động đối ngoại được tổ chức hiệu quả với các hoạt động gặp gỡ, tiếp đón quốc tế. Công tác bảo đảm trật tự, an toàn xã hội được thực hiện nghiêm.
Bước qua tháng 4, hoạt động thương mại và dịch vụ trên địa bàn có nhiều khởi sắc và thuận lợi khi kỳ nghỉ lễ 30-4 và 1-5 được kéo dài. Các đơn vị kinh doanh triển khai hàng loạt chương trình khuyến mãi, ưu đãi để kích cầu tiêu dùng. Dự báo thị trường du lịch sẽ trở nên sôi động do nhu cầu vui chơi, giải trí của người dân tăng cao trong dịp lễ.
Bên cạnh đó, các hoạt động văn hóa, nghệ thuật trên địa bàn TP được tổ chức với nhiều hoạt động sôi nổi, đa dạng màu sắc và hình thức thể hiện, nổi bật.
TPHCM tiếp tục tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo trong thực hiện các chủ trương, chính sách liên quan lĩnh vực khoa học và công nghệ, đổi mới sáng tạo, đặc biệt là thực hiện Nghị quyết số 98/2023/QH15 của Quốc hội; chương trình công tác năm 2024 và thực hiện chủ đề năm 2024. Nhiều địa phương, đơn vị đã tập trung thực hiện chuyển đổi số trên các lĩnh vực, đưa chuyển đổi số tác động tích cực đến đổi mới sáng tạo trong khu vực công, đặc biệt là cải cách hành chính.
Bên cạnh đó nổi lên một số vấn đề, như tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công đạt thấp, chưa đảm bảo tiến độ theo yêu cầu, đến ngày 26-4, thành phố giải ngân hơn 5.969 tỷ đồng, đạt 7,5% số vốn được giao, gấp 2,4 lần so với cùng kỳ năm 2023. Số doanh nghiệp tạm ngưng có xu hướng tăng, vốn đăng ký bình quân của doanh nghiệp tiếp tục giảm…
Thời gian tới, TPHCM đề ra nhiều giải pháp phát triển kinh tế - xã hội. Trong đó, tập trung thực hiện và giải ngân kế hoạch vốn đầu tư công; đẩy nhanh triển khai các dự án trọng điểm, xác định là một trong những nhiệm vụ chính trị trọng tâm của TP trong năm 2024.
Đồng thời, đẩy nhanh tiến độ công tác lập quy hoạch, đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng đồng bộ; đồ án điều chỉnh quy hoạch chung TPHCM đến năm 2040 tầm nhìn đến năm 2060; đồ án quy hoạch chung TP Thủ Đức đến năm 2040. Hoàn thành, trình thẩm định quy hoạch TP thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Bên cạnh đó, đẩy mạnh nghiên cứu, ứng dụng khoa học - công nghệ; thúc đẩy đổi mới sáng tạo. Thực hiện liên thông kết nối dữ liệu với các bộ ngành; chia sẻ dữ liệu với các đơn vị trên địa bàn phục vụ công tác tái cấu trúc quy trình thủ tục hành chính và phục vụ công tác tác nghiệp, chỉ đạo điều hành.
TPHCM mở rộng và phát triển các mô hình điểm thực hiện Đề án 06. Trình ban hành dự thảo quy chế phối hợp quản lý, khai thác và cập nhật dữ liệu của hệ thống quản trị thực thi TPHCM trên nền tảng số. Cùng với đó, tổ chức hội thảo và đề xuất các giải pháp để thúc đẩy kinh tế số của TP…