Tăng trưởng chưa đều
Các chuyên gia WB dự báo năm 2020, dù có sự cải thiện, nhưng nền kinh tế thế giới vẫn sẽ dễ bị tổn thương trước các rủi ro liên quan đến căng thẳng thương mại và địa chính trị.
WB đánh giá, sự phục hồi tại một số nước sẽ góp phần thúc đẩy tăng trưởng toàn cầu trong năm nay, song cũng thận trọng cho rằng, viễn cảnh này đang đứng trước nhiều rủi ro bị chệch hướng như nguy cơ căng thẳng thương mại Mỹ - Trung Quốc leo thang trở lại.
Mức dự báo 2,5% trong năm nay cao hơn 0,1% so với năm 2019, nhưng lại thấp hơn 0,1% so với dự báo được đưa ra vào tháng 6-2019. Tăng trưởng thương mại được kỳ vọng sẽ tăng từ 1,4% của năm 2019 lên 1,9% trong năm 2020. Tuy nhiên, con số này vẫn thấp hơn mức tăng trưởng thương mại trung bình là 5% kể từ năm 2010.
Báo cáo dự báo, tăng trưởng kinh tế Mỹ sẽ giảm từ mức 2,3% trong năm 2019 xuống 1,8% trong năm 2020, phản ánh tác động tiêu cực từ việc tăng thuế trước đó và những rủi ro liên quan đến chính sách. Trong khi đó, Trung Quốc - nền kinh tế lớn thứ hai thế giới - được dự báo sẽ tăng trưởng ở mức 5,9% trong năm 2020, thấp hơn so với mức 6,1% trong năm 2019. Đây sẽ là lần đầu tiên tăng trưởng Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Trung Quốc ở dưới mức 6%. Nguyên nhân là do năng suất lao động giảm và các tác động từ bên ngoài.
Tăng trưởng tại các nền kinh tế mới nổi và đang phát triển (EMDEs) được dự báo sẽ đạt mức 4,1% trong năm 2020, cao hơn so với mức 3,5% trong năm 2019. Theo báo cáo, trên thực tế, 90% tăng trưởng của khu vực này trong năm 2020 sẽ phụ thuộc vào 8 nước gồm Argentina, Brazil, Ấn Độ, Iran, Mexico, Nga, Saudi Arabia và Thổ Nhĩ Kỳ. Nếu không có những nước này, tăng trưởng của EMDEs sẽ gần như bằng 0.
Đáng chú ý, tăng trưởng tại khu vực Trung Đông sẽ tăng lên 2,4% trong năm nay sau khi gần như không tăng trong năm 2019. Các nước miền Nam châu Phi cũng được dự báo sẽ ghi nhận những tín hiệu tích cực trong năm nay.
Tiềm ẩn rủi ro
Trong khi đó, tăng trưởng của các nền kinh tế phát triển được dự báo sẽ giảm từ 1,6% trong năm 2019 xuống còn 1,4% trong năm 2020, một phần là do lĩnh vực sản xuất tiếp tục suy giảm.
Năm ngoái, khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) đã chịu ảnh hưởng do tăng trưởng kinh tế Đức bị chững lại và nguy cơ từ việc Anh rút khỏi Liên minh châu Âu (EU) - Brexit. Một số nền kinh tế thậm chí đã trên bờ vực suy thoái khiến tăng trưởng kinh tế khu vực sẽ giảm xuống còn 1%. Trong khi đó, Nhật Bản cũng ghi nhận sự suy yếu trong lĩnh vực sản xuất và xuất khẩu khiến tăng trưởng sẽ giảm xuống còn 0,7%.
Bên cạnh đó, báo cáo đánh giá kinh tế toàn cầu vẫn tiềm ẩn nhiều rủi ro như nguy cơ căng thẳng thương mại toàn cầu leo thang trở lại, suy thoái mạnh ở các nền kinh tế lớn, sự gián đoạn tài chính tại thị trường mới nổi và các nền kinh tế đang phát triển và gia tăng căng thẳng địa chính trị. WB cho biết, dù chưa thể đánh giá tác động từ căng thẳng Mỹ - Iran, song họ tin rằng diễn biến này cũng làm tăng rủi ro, ảnh hưởng tiêu cực đến triển vọng đầu tư.
WB cũng cảnh báo, kể cả khi tăng trưởng của EMDEs diễn ra như dự báo, tăng trưởng bình quân trên đầu người sẽ vẫn thấp hơn mức trung bình trong dài hạn, và thấp hơn nhiều so với mức cần thiết để đạt được mục tiêu giảm đói nghèo.