Kinh tế toàn cầu ở “ngã ba đường”

Hội nghị Liên hợp quốc về thương mại và phát triển (UNCTAD) dự báo kinh tế thế giới tăng trưởng 2,4% trong năm 2023, giảm so với mức 3% của năm 2022 và ít có dấu hiệu hồi phục trong năm 2024.
Giá cả hàng hóa tăng cao ảnh hưởng đến cuộc sống người dân
Giá cả hàng hóa tăng cao ảnh hưởng đến cuộc sống người dân

Tăng trưởng chậm lại

Trong báo cáo thương mại và phát triển 2023, UNCTAD cảnh báo kinh tế toàn cầu trì trệ, tăng trưởng bắt đầu chậm lại ở hầu hết các khu vực từ năm 2022 và chỉ có một số ít các quốc gia có thể đi ngược xu hướng này. Theo UNCTAD, kinh tế toàn cầu đang ở “ngã ba đường” với các hướng tăng trưởng khác nhau, bất bình đẳng gia tăng, thị trường ngày càng thu hẹp và gánh nặng nợ công chồng chất phủ bóng lên triển vọng kinh tế. Quá trình phục hồi kinh tế sau đại dịch Covid-19 không đồng nhất. Trong khi một số nền kinh tế như Brazil, Trung Quốc, Ấn Độ, Nhật Bản, Mexico, Nga và Mỹ có sức bền tốt trong năm 2023, các nền kinh tế khác lại phải đương đầu với những thách thức nghiêm trọng. Trong bối cảnh tăng trưởng chậm lại và thiếu phối hợp chính sách, sự khác biệt này làm gia tăng quan ngại về con đường tiến về phía trước của nền kinh tế toàn cầu.

Báo cáo cho rằng cần có các cải cách cấu trúc tài chính toàn cầu, các chính sách thực tế hơn để kiềm chế lạm phát, giải quyết tình trạng bất bình đẳng và nợ công cũng như các biện pháp tăng cường giám sát các thị trường quan trọng. UNCTAD cũng hối thúc đảm bảo các thị trường minh bạch và được quản lý tốt để hệ thống thương mại toàn cầu công bằng hơn.

Theo Tổng thư ký UNCTAD Rebeca Grynspan, để bảo vệ kinh tế thế giới trước những cuộc khủng hoảng hệ thống trong tương lai, thế giới cần tránh các sai lầm chính sách trong quá khứ và ủng hộ chương trình nghị sự cải cách tích cực. Thế giới cần một bộ chính sách cân bằng về tài khóa, tiền tệ và các biện pháp liên quan nguồn cung để đạt được trạng thái tài chính bền vững, thúc đẩy đầu tư có hiệu quả và tạo ra những việc làm tốt hơn. Cần có cơ chế quản lý phù hợp để giải quyết tình trạng bất đối xứng ngày càng rõ nét giữa hệ thống thương mại và hệ thống tài chính quốc tế.

Vấn đề cấp bách

Bà Grynspan cảnh báo những nỗ lực do Ngân hàng Thế giới (WB), Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) hay Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) triển khai nhằm giảm bớt gánh nặng nợ tại các quốc gia thu nhập thấp là chưa đủ. Quá trình này diễn ra rất chậm và còn nhiều quốc gia cần sự trợ giúp. Vì vậy, UNCTAD cho rằng cần thiết lập cơ chế tốt hơn để giải quyết nhanh hơn vấn đề nợ nần.

Tổng thư ký UNCTAD nhấn mạnh việc ngăn chặn các quốc gia vỡ nợ là vấn đề cấp bách, đồng thời hoan nghênh các cuộc thảo luận đang diễn ra nhằm trao quyền nhiều hơn cho WB và các ngân hàng phát triển khu vực khác. Tuy nhiên, bà quan ngại rằng quy mô của hệ thống xử lý nợ hiện nay còn nhỏ so với những thách thức đang phải đối mặt. WB tăng trưởng chậm hơn nhiều so với nền kinh tế toàn cầu, do đó gặp nhiều khó khăn trong việc đáp ứng nhu cầu phát sinh.

Bà Grynspan cho biết thêm, khủng hoảng nợ sẽ là ưu tiên thảo luận tại cuộc họp thường niên do WB và IMF tổ chức, diễn ra từ ngày 9 đến ngày 15-10 tại TP Marrakech, Morocco. Cuộc họp dự kiến có sự tham gia của các nhà lãnh đạo tài chính, chuyên gia tài chính, người điều hành tổ chức phi chính phủ và các tổ chức phát triển khác.

Tin cùng chuyên mục