WB cho rằng kinh tế thế giới có thể trải qua giai đoạn giảm tốc mạnh nhất, sau khi tăng trưởng kinh tế toàn cầu phục hồi lên mức 5,7% trong năm 2021. Căng thẳng giữa Nga và Ukraine đã đẩy giá các mặt hàng, trong đó có dầu và ngũ cốc, tăng vọt. Báo cáo cũng nhấn mạnh xung đột cùng những tác động của đại dịch Covid-19, kinh tế toàn cầu có thể bước vào giai đoạn tăng trưởng yếu kéo dài và lạm phát gia tăng. Ngoài ra, tình trạng gián đoạn chuỗi cung ứng đối với nhiều nước khiến suy thoái là điều khó tránh khỏi.
Báo cáo chỉ ra một số điểm tương đồng giữa tình hình kinh tế hiện nay với những năm 70 của thế kỷ trước, khi tăng trưởng bị đình trệ, lạm phát tăng vọt, cùng các yếu tố nguồn cung đẩy giá nhiên liệu leo thang và lãi suất thấp duy trì một thời gian dài. Tuy nhiên, báo cáo cũng đưa ra các điểm khác biệt quan trọng giữa tình hình hiện nay với giai đoạn những năm 1970, trong đó đồng USD đang rất mạnh và các thể chế tài chính lớn đang có vị trí vững chắc. Tất cả những yếu tố này tạo ra dư địa tương đối rộng rãi để các nhà hoạch định chính sách hành động.
Bên cạnh đó, WB cũng cảnh báo nguy cơ của việc khống chế lạm phát gia tăng bằng biện pháp kiểm soát giá cả hoặc hạn chế xuất khẩu. Người đứng đầu WB David Malpass khẳng định tính cấp thiết của việc khuyến khích sản xuất và tránh các hạn chế thương mại. Để giảm thiểu rủi ro, các nhà hoạch định chính sách cần phối hợp đối phó với việc tăng giá dầu và lương thực; đẩy mạnh việc giảm nợ cho các nền kinh tế đang phát triển và nỗ lực ngăn chặn đại dịch Covid-19.
Báo cáo Triển vọng kinh tế toàn cầu cũng dự báo tăng trưởng kinh tế tại các nền kinh tế phát triển có thể giảm mạnh còn 2,6% trong năm 2022 và còn 2,2% trong năm 2023, sau khi đạt mức 5,1% trong năm 2021. Trong khi đó, tăng trưởng tại các nền kinh tế đang phát triển và mới nổi cũng chỉ đạt 3,4% trong năm 2022, thấp hơn nhiều so với mức 6,6% trong năm 2021, cũng như thấp hơn mức trung bình hàng năm 4,8% trong giai đoạn 2011-2019.