Từ khủng hoảng bất động sản…
Một trong những lo ngại hiện nay là cuộc khủng hoảng nợ trong lĩnh vực bất động sản ở Trung Quốc sẽ lan sang thị trường tài chính toàn cầu và ảnh hưởng tới triển vọng kinh tế của nhiều quốc gia trên thế giới.
Trong báo cáo ổn định tài chính mới nhất, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) cho biết, việc Trung Quốc giám sát quy định liên tục đối với nợ doanh nghiệp có khả năng gây căng thẳng cho lĩnh vực bất động sản và các doanh nghiệp mắc nợ cao khác. Điều này có thể tác động lan tỏa đến các công ty tài chính, khiến giá bất động sản bị điều chỉnh đột ngột, hoặc giảm mong muốn đầu tư của các nhà đầu tư ở Trung Quốc.
Evergrande, tập đoàn bất động sản lớn nhất nhì Trung Quốc, đang vật lộn với tổng số nợ phải trả lên đến 1,97 ngàn tỷ nhân dân tệ (308 tỷ USD). Tập đoàn này đã bỏ lỡ một số kỳ thanh toán tiền lãi cho các khoản vay từ nước ngoài trong những tháng gần đây, làm dấy lên lo ngại về nợ bất động sản tăng cao tại Trung Quốc.
Một số nhà quan sát từng lo ngại rằng, hố nợ của Evergrande có thể là “sự kiện Lehman Brothers” của Trung Quốc. Vụ Ngân hàng đầu tư Lehman Brothers của Mỹ sụp đổ do khủng hoảng nợ dưới chuẩn đã châm ngòi cho cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008. Trong quý 3-2021, tốc độ tăng trưởng của kinh tế Trung Quốc đã giảm xuống còn 4,9% so với cùng kỳ năm ngoái, trong khi các chỉ số bi quan trong tháng 10-2021 cũng cho thấy đà suy giảm sẽ tiếp tục.
Đây là hậu quả của hàng loạt diễn biến như đại dịch Covid-19, quy định mới đối với các tập đoàn công nghệ, khủng hoảng bất động sản, sự thiếu hụt năng lượng... Ngoài ra, nguồn cung lương thực thực phẩm cũng đang đối mặt với kịch bản quá tải khi người dân liên tục dự trữ rất nhiều loại lương thực như bắp cải, gạo và bột mì.
Những lo ngại đối với khủng hoảng nợ của Evergrande và triển vọng của nền kinh tế Trung Quốc đã khiến các thị trường chứng khoán Hồng Công, New York và những thị trường lớn khác chao đảo.
Đánh giá về những diễn biến hiện nay của kinh tế Trung Quốc, báo Le Monde nhận định, châu Á sẽ là khu vực đầu tiên chịu liên lụy từ chiều hướng suy giảm tăng trưởng của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới. Sau đó, rất có thể toàn bộ kinh tế thế giới cũng sẽ tăng trưởng chậm lại.
Ở châu Âu, Đức (quốc gia sản xuất hàng hóa, máy móc) và ở châu Phi, Ethiopia hay Nam Phi đều bị ảnh hưởng nặng nề từ sự suy giảm của Trung Quốc. Các nhà phân tích của Citibank cũng hạ dự báo tăng trưởng của Hàn Quốc, vùng lãnh thổ Đài Loan, Malaysia, Singapore và một số quốc gia Đông Nam Á khác.
Đến cơn sốt năng lượng
Kinh tế thế giới còn đối mặt với khó khăn khác là giá năng lượng tăng cao. Giá khí đốt giao ngay tại châu Âu và châu Á đã tăng gấp bốn lần. Mức độ tăng giá trong thời gian dài và ở quy mô toàn cầu là điều chưa có tiền lệ. Thông thường, biến động giá xảy ra theo chu kỳ mùa vụ và mang tính địa phương hóa. Đơn cử, hồi năm 2020, giá khí đốt tăng ở châu Á nhưng lại không diễn ra ở châu Âu.
Giá khí đốt tăng cùng lúc tạo ra hiệu ứng lan tỏa trên thị trường than đá và dầu mỏ. Giá dầu Brent biển Bắc gần đây đã lên mức cao nhất trong vòng 7 năm, đạt trên 85 USD/thùng, khi nhiều nhà nhập khẩu tìm kiếm nguồn cung thay thế để sưởi ấm và phát điện trong bối cảnh nguồn cung dầu mỏ khan hiếm. Giá than đá, mặt hàng thay thế nhanh nhất, đã vọt lên mức cao nhất kể từ năm 2001.
Đứt gãy nguồn cung cùng với sức ép về giá đã tạo ra thách thức chưa có tiền lệ đối với kinh tế toàn cầu, vốn đang phải đối mặt với phục hồi không đồng đều từ đại dịch. Chuyên gia kinh tế trưởng của Ngân hàng Thế giới (WB) Ayhan Kose cho rằng, nếu điều này tiếp diễn có thể gây sức ép cho tăng trưởng tại các nước nhập khẩu năng lượng.
Mỹ đang đối mặt với những rủi ro khi giá năng lượng tăng có nguy cơ gây ảnh hưởng đến triển vọng kinh tế. Nền kinh tế Mỹ xuất hiện tín hiệu gây lo ngại khi mức lạm phát lên cao nhất trong 30 năm. Riêng tại Liên minh châu Âu (EU), Brussels đã nâng dự báo tăng trưởng GDP trong khu vực đồng EURO năm 2021 lên 5% so với mức 4,8% dự kiến trước đó.
Tuy nhiên, Ủy ban châu Âu (EC) lại hạ dự báo tăng trưởng của khu vực này trong năm 2022 xuống mức 4,3%, so với mức dự báo 4,5% hiện nay. EC cho rằng, lạm phát tăng trở lại do sự bùng nổ giá khí đốt sẽ ảnh hưởng đến tiêu dùng và đầu tư.
Lạm phát đang trở thành mối lo ngại tại nhiều nước. Theo FED, vũ khí chính để chống lạm phát là tăng lãi suất. Dự kiến, trong vài tuần tới, FED sẽ bắt đầu giảm mua trái phiếu mỗi tháng để rút bớt lượng tiền bơm vào nền kinh tế. Ngân hàng trung ương Anh cũng công bố kế hoạch tăng lãi suất.
Ngân hàng trung ương New Zealand lần đầu tiên tăng lãi suất trong vòng 7 năm, đồng thời cho biết sẽ tiếp tục gỡ bỏ các biện pháp kích thích tiền tệ. Khác với các ngân hàng trung ương khác sử dụng công cụ lãi suất để kiểm soát lạm phát, Singapore thông qua kế hoạch điều chỉnh tỷ giá đồng dollar Singapore để đảm bảo giá cả ổn định và tăng trưởng kinh tế bền vững.
Tuy nhiên, theo tờ The Economist, để lạm phát chỉ là tạm thời, các nhà hoạch định chính sách tiền tệ nên suy nghĩ lại với quyết định tăng lãi suất. Bởi lạm phát sẽ vẫn ở mức cao trong những tháng đầu năm 2022, trên thực tế phải mất khoảng một năm rưỡi để mức lãi suất cao có tác dụng đầy đủ đối với nền kinh tế. Bên cạnh đó, nếu các chuỗi cung ứng vẫn ở mức độ giới hạn, thế giới sẽ không thể lặp lại biện pháp duy trì tăng trưởng kinh tế bằng cách sử dụng các gói kích thích giúp tăng tiêu dùng hàng hóa.
WB cho rằng, có thể kỳ vọng vào việc giá khí đốt sẽ trở lại bình thường vào quý 2-2022. Than đá và dầu mỏ cũng đi theo xu hướng giảm. Dù vậy, bất ổn vẫn còn ở mức cao, và một cú sốc nhỏ về nguồn cầu có thể sẽ đẩy giá năng lượng tăng vọt.
Điều này đồng nghĩa với việc các ngân hàng trung ương cần phải lượng định sức ép về lạm phát do tác động lan tỏa từ cú sốc năng lượng. Các chính phủ cần thực hiện giải pháp ngăn chặn tình trạng mất điện trong trường hợp các công ty điện giảm sản lượng khi nhận thấy càng sản xuất càng lỗ.