Nguy cơ kinh tế Mỹ suy thoái
Theo báo cáo mới nhất của Công ty Nghiên cứu thị trường IHS Markit, các chỉ số hoạt động của các nhà máy sản xuất tại Nhật Bản, Anh, Khu vực đồng tiền chung EUR (Eurozone) và Mỹ đều chững lại trong tháng 6. Riêng tại Mỹ, các nhà sản xuất lần đầu tiên ghi nhận số đơn đặt hàng mới giảm sút trong 2 năm qua do niềm tin của người tiêu dùng và các doanh nghiệp đều sụt giảm. Cụ thể, Chỉ số nhà quản trị mua hàng (PMI) đã giảm từ 53,6 điểm trong tháng 5 còn 51,2 điểm trong tháng 6 và đây là mức tăng trưởng thấp nhất trong 5 tháng qua. Trong khi đó, chỉ số sản xuất của tháng 6 lại giảm xuống mức thấp nhất trong gần 2 năm, từ 57 điểm của tháng 5 còn 52,4 điểm vào tháng 6 và yếu hơn nhiều so với mức 56 điểm theo dự báo của các chuyên gia kinh tế.
Theo nhà kinh tế trưởng Chris Williamson tại S&P Global, rất nhiều doanh nghiệp tin về việc xuất hiện một cuộc suy thoái kinh tế ở Mỹ. Báo cáo của Bank of America Global Research công bố ngày 17-6 cho rằng, kinh tế Mỹ có 40% nguy cơ rơi vào suy thoái vào năm tới. Một cuộc thăm dò trước đó do tờ Financial Times thực hiện cho biết, gần 70% các nhà kinh tế hàng đầu cho rằng kinh tế Mỹ sẽ rơi vào suy thoái năm 2023 khi Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) tăng cường kiềm chế lạm phát hiện đang ở mức cao nhất trong 4 thập niên qua. Trong khi đó, dự báo của Bloomberg Economics công bố ngày 15-6 cho biết kinh tế Mỹ sẽ suy giảm vào đầu năm 2024.
FED đang cố gắng kiềm chế lạm phát bằng việc tăng lãi suất. Tuy nhiên, Công ty đầu tư PIMCO của Mỹ cảnh báo, chính sách siết chặt tiền tệ nhằm ứng phó với lạm phát sẽ làm gia tăng nguy cơ suy thoái đối với nền kinh tế số 1 thế giới này.
Ngăn chặn lạm phát
Eurozone dường như đang bước vào giai đoạn lạm phát đình trệ với giá hàng hóa và dịch vụ sẽ vẫn ở mức cao. Theo dự báo của các nhà kinh tế, khu vực này có khoảng 33% nguy cơ rơi vào suy thoái trong 12 tháng. Các nhà kinh tế cũng cho rằng, mức lạm phát kỷ lục 8,1% mà châu Âu ghi nhận hồi tháng trước vẫn chưa phải là mức đỉnh. GDP tại Eurozone từ đầu năm đến nay vẫn tiếp tục tăng trưởng, song chưa rõ liệu mức tăng trưởng này có được duy trì cho đến hết năm hay không. Việc đánh giá nguy cơ suy thoái ở châu Âu dựa trên 2 yếu tố: lạm phát ảnh hưởng tới quyết định tiêu dùng của các hộ gia đình và một loạt gián đoạn nguồn cung mới do cuộc xung đột ở Ukraine gây ra.
Thống đốc Ngân hàng Trung ương Indonesia Perry Warjiyo cho rằng, có 3 nguyên nhân dẫn đến tình cảnh kinh tế toàn cầu ảm đạm hiện nay. Thứ nhất, cuộc xung đột tại Ukraine gây gián đoạn chuỗi cung ứng năng lượng và lương thực trên thế giới. Hậu quả này được thể hiện qua tình trạng giá cả hàng hóa trên thị trường quốc tế luôn ở mức cao. Ông Warjiyo dự đoán, giá dầu thế giới sẽ đạt mức trung bình 103 USD/thùng vào cuối năm nay. Thứ hai, việc Mỹ và các nước châu Âu thực hiện thắt chặt chính sách tiền tệ để ngăn chặn lạm phát đã gây ra những tác động không nhỏ tới nền kinh tế toàn cầu. “Quyết định tăng lãi suất này chắc chắn sẽ làm giảm nhu cầu và tốc độ tăng trưởng kinh tế”, ông Warjiyo nói. Cuối cùng là nguy cơ suy thoái của nền kinh tế Trung Quốc do dịch Covid-19.
“Tất cả những yếu tố này cho thấy tăng trưởng kinh tế toàn cầu có nguy cơ suy giảm. Ban đầu, chúng tôi ước tính nền kinh tế toàn cầu năm 2022 có thể đạt tốc độ tăng trưởng 3,4%, kết quả nghiên cứu mới nhất của chúng tôi về 3 yếu tố này cho thấy tốc độ tăng trưởng kinh tế toàn cầu có thể giảm xuống còn 3% vào cuối năm 2022”, ông Warjiyo cho biết.