Đây là sự kiện do Cục TDTT chủ trì, dựa trên sự gợi mở từ Ban Kinh tế Trung ương. So với lần đầu tiên tổ chức vào năm 2023, các chủ đề thảo luận của diễn đàn năm nay đã có tính tập trung cao hơn trong việc khai thác thương mại các giải đấu quốc gia thông qua những lợi ích tại chỗ ngay từ các địa phương đăng cai, bản quyền của sự kiện, đặc biệt là xã hội hóa các giải vô địch quốc gia, vốn từng được ví là “con gà đẻ trứng vàng”.
Mỗi năm Việt Nam có 40.000 giải thể thao từ chuyên nghiệp đến nghiệp dư, ở mọi cấp độ. Đây là con số rất ấn tượng, cho thấy niềm đam mê thể thao tại Việt Nam và tiềm năng rất lớn cho các hoạt động có doanh thu liên quan đến những giải thể thao. Lấy ví dụ như môn pickleball mới vừa du nhập vào Việt Nam, nhưng phát triển rất mạnh và chỉ trong một thời gian ngắn đã hội đủ điều kiện để Cục TDTT tổ chức giải vô địch toàn quốc dành cho các CLB.
Thế nhưng, nếu đặt các câu hỏi: pickleball có thể trở thành môn chơi chuyên nghiệp không? Có thể bán được bản quyền truyền hình không? Số tiền mà pickleball tạo ra trong một năm dựa trên các giải đấu được đăng ký chính thức sẽ là bao nhiêu, có cơ sở để tính toán không?… thì khó tìm ra ai sẽ trả lời thỏa đáng khi mà KTTT, hay cao hơn là ngành công nghiệp thể thao, vẫn chưa thực sự có chỗ đứng tại Việt Nam.
Còn nhớ, hồi năm 2009, thể thao Việt Nam đã có 28 thạc sĩ KTTT đầu tiên. Dù đã nhìn nhận tầm quan trọng của KTTT từ sớm, nhưng thực tế cho thấy việc chuyển đổi công tác kiếm tiền cho thể thao Việt Nam từ tài trợ, quảng cáo thông thường thành một hoạt động khai thác kinh doanh thực thụ vẫn còn khá chậm, có một khoảng cách rất xa so với thế giới.
Các sự việc gần đây liên quan đến vấn đề phân bổ ngân sách, tạo nguồn kinh phí cho vận động viên đi thi đấu, tập huấn và thuê chuyên gia giỏi để nâng tầm đẳng cấp ở một số môn thế mạnh, có khả năng vươn tầm thế giới, một lần nữa cho thấy sự đòi hỏi cấp bách của việc hình thành nên KTTT bài bản, hiệu quả lâu dài. Thể thao Việt Nam cần phải đặt vấn đề một cách quyết liệt hơn trong việc hạn chế, thậm chí không dựa vào ngân sách nhà nước. Các địa phương và từng môn thể thao cần phải tập trung tìm giải pháp về cơ chế, phương thức hợp tác, chiến lược tiếp thị để khai thác các nguồn lực xã hội.
Thực tế cho thấy, những môn, giải đấu thể thao có sự liên kết tốt giữa cơ quan truyền thông - doanh nghiệp xã hội hóa thì thường có tuổi đời lâu dài và tạo được sự ảnh hưởng rộng rãi trong cộng đồng. Hiện có rất nhiều giải đấu, sự kiện như vậy diễn ra đều đặn mỗi năm, cho thấy vấn đề nằm ở cách làm và tầm nhìn, quyết tâm của đơn vị tổ chức. Tiêu biểu nhất vẫn là bóng đá, môn đã khai thác được doanh thu từ bản quyền truyền hình ở giải V-League, có doanh thu tăng trưởng dương và đóng góp trực tiếp vào nguồn kinh phí phát triển bóng đá trẻ cho đơn vị quản lý.
Thế nên, hơn lúc nào hết, chúng ta cần xem việc xây dựng một nền KTTT thực thụ mới là nền tảng cho các chiến lược phát triển thể thao. Nói cách khác, chỉ khi nào các giải đấu vô địch quốc gia có thể tạo ra doanh thu thuần có lãi, khai thác được dòng tiền từ bản quyền hình ảnh, có hoạt động kinh doanh vật phẩm và thương hiệu, thì mới xây dựng được “đường băng” để thể thao thực sự “cất cánh”.