Bên cạnh đó, các chính sách kích thích kinh tế mới của các nước lớn cùng với sản lượng công nghiệp Trung Quốc và Nhật Bản tăng cao đã làm giảm bớt những lo ngại về đại dịch trong thời gian tới.
Chứng khoán trỗi dậy
Tính đến ngày 30-11, nhiều sàn chứng khoán châu Âu có mức tăng cao nhất tính trong cả tháng với Pháp tăng 21% và Italy gần 26%. Chỉ số MSCI của chứng khoán thế giới tăng 13% trong tháng 11, trong khi chỉ số S&P 500 (chỉ số quan trọng bậc nhất của Mỹ) đã tăng 11%, lên mức cao nhất mọi thời đại.
Tại thị trường chứng khoán châu Á, trong ngày 30-11 chỉ số MSCI của chứng khoán châu Á - Thái Bình Dương đã tăng 0,1%, lên hơn 11% trong tháng và có hiệu suất tốt nhất kể từ cuối năm 2011. Chỉ số Nikkei của Nhật Bản tăng 0,7%, nâng mức tăng trong tháng lên 16,7%, mức tăng lớn nhất kể từ năm 1990.
Theo Reuters, ông Shane Oliver, trưởng bộ phận chiến lược đầu tư tại Tập đoàn đầu tư toàn cầu AMP Capital (trụ sở tại Sydney, Australia) cho biết: “Các thị trường đang bị mua quá mức và có nguy cơ tạm dừng trong thời gian ngắn. Tuy nhiên, hiện tại chúng ta đang ở trong thời điểm bùng phát mạnh mẽ trong năm và các nhà đầu tư vẫn chưa đánh giá hết khả năng phục hồi rất mạnh trong năm tới, nhất là về tăng trưởng và lợi nhuận khi mà vaccine bắt đầu được lưu hành”.
Ông Oliver cho biết thêm, các cổ phiếu phục hồi theo chu kỳ bao gồm tài nguyên, công nghiệp và tài chính có khả năng sẽ ổn định hơn.
Trong khi đó, Ngân hàng Riksbank của Thụy Điển đã gây bất ngờ vào tuần trước khi mở rộng chương trình mua trái phiếu và Ngân hàng Trung ương châu Âu có thể sẽ làm theo vào tháng 12.
Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) Jerome Powell sẽ điều trần trước Quốc hội vào ngày 1-12 trong bối cảnh FED chuẩn bị đưa ra gói kích thích kinh tế mới. Do đó, lãi suất dạng 10 năm của trái phiếu Mỹ vào cuối tháng 11 đã ở mức 0,84%, một hiệu suất vững chắc do cổ phiếu tăng mạnh.
Động thái từ Đông Á
Cũng theo Reuters, vào tháng 11-2020, hoạt động sản xuất công nghiệp của Trung Quốc đã tăng trưởng với tốc độ nhanh nhất trong hơn 3 năm qua, trong khi tăng trưởng trong lĩnh vực dịch vụ cũng đạt mức cao nhất trong nhiều năm, đánh dấu sự phục hồi kinh tế của nước này đang tăng lên sau khi suy giảm do Covid-19.
Dữ liệu lạc quan được công bố vào ngày 30-11 cho thấy, nền kinh tế lớn thứ hai thế giới đang trên đà trở thành nền kinh tế đầu tiên hoàn toàn thoát khỏi lực cản từ việc đóng cửa trên diện rộng của ngành công nghiệp. Dữ liệu gần đây cho thấy, sản xuất công nghiệp của Trung Quốc hiện đã ở mức trước đại dịch.
Theo Cục Thống kê nhà nước Trung Quốc, chỉ số quản lý mua hàng (PMI) của các ngành sản xuất đã tăng lên 52,1 vào tháng 11 so với mức 51,4 vào tháng 10, đây là chỉ số PMI cao nhất kể từ tháng 9-2017. Nền kinh tế Trung Quốc dự kiến sẽ tăng khoảng 2% trong cả năm 2020, mức yếu nhất trong hơn ba thập niên nhưng vẫn mạnh hơn nhiều so với các nền kinh tế lớn khác đang vật lộn để kiểm soát sự bùng phát dịch Covid-19.
Tại Nhật Bản, sản xuất công nghiệp trong tháng 10 đã tăng 3,8%, đánh dấu tháng tăng thứ 5 liên tiếp nhờ nhu cầu của khách hàng đối với thiết bị máy móc, ô tô phục hồi sau đà suy giảm do dịch Covid-19.
Báo cáo của Chính phủ Nhật Bản công bố ngày 30-11 cho thấy, sản lượng của một số ngành đã trở lại mức trước khi dịch Covid-19 lây lan, tuy nhiên Bộ Kinh tế, Thương mại và Công nghiệp Nhật Bản vẫn cảnh báo nguy cơ giảm sút trong thời gian tới do số ca lây nhiễm trên toàn cầu đột ngột tăng trong thời gian gần đây. Lĩnh vực sản xuất máy móc nói chung, bao gồm hệ thống băng tải trong lĩnh vực bán lẻ và turbine hơi nước được sử dụng để phát điện, tăng 17,9%; lĩnh vực ô tô tăng 6,4%; lĩnh vực máy móc điện tử và thiết bị điện tử thông tin - truyền thông tăng 8,4%, nhờ nhu cầu đối với máy tính phục vụ làm việc từ xa.