Giảm 9,2% thay vì 12,9%
Giám đốc IMF Kristalina Georgieva ngày 6-10 nhận định, suy thoái kinh tế xảy ra do đại dịch Covid-19 sẽ không tồi tệ như lo sợ ban đầu nhờ vào nguồn chi tiêu của chính phủ, nhưng cuộc khủng hoảng còn lâu mới kết thúc. “Bức tranh ngày nay ít thảm khốc hơn... cho phép điều chỉnh tăng một chút đối với dự báo toàn cầu của chúng tôi cho năm 2020”, bà Georgieva cho biết.
Hồi tháng 6, IMF dự báo GDP toàn cầu sẽ giảm gần 5%, nhưng kết quả trong quý 2 và quý 3-2020 tốt hơn dự kiến. Bà Georgieva ghi nhận sự cải thiện này là do “các biện pháp chính sách phi thường đặt nền móng cho nền kinh tế thế giới”. Tổng cộng toàn cầu đã hỗ trợ tài chính lên tới 12.000 tỷ USD cho các hộ gia đình và doanh nghiệp. Tuy nhiên, bà Georgieva cảnh báo, các chính phủ không nên rút lại sớm các gói kích thích kinh tế hay các chính sách hỗ trợ, vì năm 2021 vẫn còn đầy rẫy những bất ổn và rủi ro. Việc rút lại hỗ trợ của chính phủ có nguy cơ gây “phá sản hàng loạt và thất nghiệp lớn” và có thể gây ra thảm kịch cho nền kinh tế thế giới.
Cũng theo Giám đốc IMF, các quốc gia thu nhập thấp không có khả năng chi tiêu nhiều để hỗ trợ việc làm và doanh nghiệp cần được trợ giúp để giải quyết gánh nặng kinh tế, bao gồm thông qua việc tăng viện trợ không hoàn lại và cơ cấu lại nợ. IMF vừa thông qua việc gia hạn thêm 6 tháng về việc đình chỉ các khoản thanh toán nợ cho 28 quốc gia nghèo nhất thế giới.
Cùng ngày 6-10, WTO cho biết, thương mại toàn cầu sẽ giảm 12,9% trong năm 2020, tuy nhiên trong dự báo mới nhất, con số này hiện đã được sửa đổi thành 9,2% trong năm nay. Tăng trưởng thương mại toàn cầu cũng được dự báo ở mức 7,2% vào năm 2021. Tuyên bố của WTO nêu rõ: “Thương mại toàn cầu đang có nhiều dấu hiệu phục hồi từ mức suy giảm sâu do đại dịch Covid-19, song các chuyên gia kinh tế của WTO thận trọng cho rằng mọi sự phục hồi có thể bị đứt quãng bởi tác động của đại dịch Covid-19 hiện nay”.
Không nên rút sớm các gói kích cầu
Cả IMF và WTO cảnh báo còn nhiều rủi ro cho kinh tế thế giới, nhất là trong tình hình dịch Covid-19 còn diễn biến rất phức tạp. Vì lẽ đó, IMF cho rằng các chính phủ không nên rút lại sớm các gói kích thích kinh tế hay các chính sách hỗ trợ. Người đứng đầu IMF cho rằng, các thị trường mới nổi và các nước thu nhập thấp phải đối mặt với tình trạng bấp bênh do hệ thống y tế yếu kém, nợ nước ngoài cao và sự phụ thuộc vào các lĩnh vực dễ bị ảnh hưởng nhất bởi đại dịch Covid-19 như du lịch và hàng hóa.
Bà Georgieva nói: “Ở các nước thu nhập thấp, những cú sốc sâu sắc đến mức chúng ta phải đối mặt với nguy cơ “một thế hệ mất mát ” và IMF và Ngân hàng Thế giới sẽ gây sức ép để giảm nợ nhiều hơn cho các nước thu nhập thấp”. Bà Georgieva kêu gọi nhanh chóng giúp đỡ nhiều hơn cho các quốc gia thu nhập thấp ngoài việc hoãn nợ song phương chính thức cho đến cuối năm 2020. Lợi ích phát triển có thể bị đảo ngược nếu không được tiếp cận thêm các khoản trợ cấp, tín dụng ưu đãi và xóa nợ. Trong một số trường hợp, sự phối hợp toàn cầu để tái cơ cấu nợ chính phủ là cần thiết, với sự tham gia đầy đủ của các chủ nợ nhà nước và tư nhân. Bà Georgieva kêu gọi các quốc gia mắc nợ cao không nên chờ đợi để tìm kiếm cơ cấu lại nợ và nói rằng cải cách thuế là cần thiết để thu được các khoản thu cần thiết.
Còn Phó Tổng Giám đốc WTO Yi Xiaozhun cho biết, làn sóng mới của Covid-19 yêu cầu các biện pháp phong tỏa mới tại nhiều nước có thể làm giảm tăng trưởng GDP toàn cầu từ 2% đến 3% và giảm 4% của tăng trưởng thương mại hàng hóa vào năm 2021, trong khi thương mại đã đóng một vai trò quan trọng, cho phép các quốc gia tiếp cận với thực phẩm và nguồn cung cấp y tế quan trọng. Theo ông Yi Xiaozhun, một trong những rủi ro lớn nhất đối với nền kinh tế toàn cầu sau hậu quả của đại dịch Covid-19 sẽ là xu hướng của chủ nghĩa bảo hộ.