Bất kể chính sách thắt chặt tiền tệ của tân Chủ tịch Cục Dự trữ liên bang Hoa Kỳ (FED) Jerome Powell, đồng USD vẫn được dự báo rớt giá. Trong khi đó, quá kỳ vọng vào thị trường chứng khoán (TTCK) cũng nguy cơ làm thất vọng.
Giá dầu tiếp tục đi lên
Vào đầu tháng 1-2018, giá dầu giao dịch ở mức 63USD/thùng, cao hơn so với mức 54USD/thùng vào cuối năm 2016. Diễn biến này đúng với nhiều dự báo cho rằng đà tăng của dầu sẽ tiếp tục với nỗ lực can thiệp từ phía Nga.
Sau phiên họp hồi cuối tháng 11-2017 tại Vienna (Áo), Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) và Nga đã đạt được thỏa thuận về việc duy trì cắt giảm sản lượng dầu cho đến cuối năm 2018. Đây là quyết định bất ngờ vì trong suốt năm 2017, Nga không mặn mà với việc cắt giảm sản lượng. Nhưng có vẻ Nga và Saudi Arabia đang muốn hình thành một liên minh chặt chẽ hơn trong việc cắt giảm sản lượng để nâng giá dầu vì lợi ích của cả 2 bên.
“Kẻ phá bĩnh” liên minh Nga - Saudi Arabia là các công ty dầu đá phiến Hoa Kỳ. Irna Slav, một nhà bình luận về lĩnh vực năng lượng của trang Oilprice, cho biết các công ty sản xuất dầu Hoa Kỳ đang chịu sức ép của cổ đông trong việc hạn chế tăng trưởng sản lượng, thay vào đó phải tạo ra lợi nhuận.
Hiện các công ty dầu đá phiến Hoa Kỳ sản xuất hơn 10 triệu thùng/ngày, và có vẻ đang mất dần khả năng tác động đến giá dầu thế giới. 2018 có thể là một năm lạc quan cho giá dầu. Alex Longley của trang Bloomberg, trích dẫn số liệu mua ròng hiện nay đang gần ở 1 triệu hợp đồng, cao nhất trong lịch sử, cho thấy các nhà đầu tư đang lạc quan vào tương lai của giá dầu.
Rủi ro chính trị - yếu tố tác động đến thị trường dầu - cũng đang ủng hộ cho kịch bản tăng giá dầu. Alex Longley chỉ ra 3 điểm nóng: Iran, Venezuela, Saudi Arabia và làn sóng biểu tình bạo động đang làm xáo trộn các quốc gia này. Giá dầu còn là yếu tố ảnh hưởng trực tiếp đến lạm phát toàn cầu. Thí dụ, chỉ số tiêu dùng của Hoa Kỳ (Headline CPI) có tương quan chặt với giá dầu. Khả năng Headline CPI của Hoa Kỳ sẽ chạm mốc 3% so với mức 2,2% hiện tại nếu giá dầu tăng mạnh.
Chính sách đồng USD yếu
Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump đã quyết định chọn ông Jerome Powell cho chức Chủ tịch FED, thay thế bà Janet Yellen. Vấn đề là ông Powell có thể sẽ tăng lãi suất trong năm 2018 ngay cả khi lạm phát vẫn ở mức yếu, nhưng vẫn không thể làm cho đồng USD tăng giá. Thực sự, áp lực giảm giá vẫn đang là xu hướng chính của đồng USD. Trong năm 2017 đồng bạc xanh này giảm mạnh bất chấp việc FED đã 3 lần nâng lãi suất. Nhiều nhận định cho rằng việc FED công bố 3 lần tăng lãi suất trong năm 2017, càng khiến nhà đầu tư kỳ vọng đồng USD sẽ tăng giá mạnh hơn. Tuy nhiên, đồng USD lại giảm giá mạnh.
Nguyên nhân chủ yếu dẫn tới sự mất giá của đồng USD trong năm 2017 được gói gọn ở 2 từ “Trump Slump” (sự khủng hoảng của Tổng thống Trump). Đồng USD tăng giá mạnh trong 2 tháng sau khi ông Trump đắc cử vào tháng 11-2016, đúng như lời hứa khi ông này ra tranh cử: “Một đồng USD mạnh là tốt cho Hoa Kỳ”.
Tuy nhiên, ngôn từ của Tổng thống D. Trump đã thay đổi thành “đồng USD của chúng ta đang quá mạnh, và nó đang gây ra nhiều khó khăn để cạnh tranh khi nhiều quốc gia khác đang phá giá đồng tiền của họ”. Có vẻ ông Trump đã bỏ rơi chính sách “đồng USD mạnh”, thay vào đó thực hiện chính sách đồng USD yếu để kích thích xuất khẩu. Đây có thể vẫn là chính sách chủ đạo của Tổng thống Trump đối với đồng USD trong năm 2018.
Việc đồng USD giảm giá mạnh dưới nhiệm kỳ của Tổng thống D.Trump đang đánh dấu cho sự lung lay của vị thế đồng bạc xanh trong vai trò dự trữ toàn cầu. Saudi Arabia đang ngày càng cho thấy rời xa ảnh hưởng của Hoa Kỳ và thắt chặt liên minh với Nga vì lợi ích giá dầu. Iran tuyên bố bỏ rơi đồng USD sau vụ cấm nhập cảnh của Tổng thống Trump vào đầu năm 2017. Qatar - đồng minh thân cận của Hoa Kỳ tại Trung Đông - cũng hạn chế xuất khẩu dầu thanh toán bằng USD. Trung Quốc tung ra các hợp đồng dầu giao dịch bằng đồng nhân dân tệ. Và cuối tháng 12-2017 Venezuela cũng đã từ chối chấp nhận đồng USD để thanh toán dầu trong giao dịch với Hoa Kỳ. Khi nhu cầu thanh toán bằng đồng USD giảm, giá trị của đồng tiền này cũng giảm theo.
Cẩn trọng với TTCK
Cuối năm 2017, Tổng thống Donald Trump nói: “TTCK đã 84 lần thiết lập đỉnh cao mới kể từ khi tôi đắc cử vào tháng 11-2016, đây là điều tôi cảm thấy tự hào”. Trước đó, vào tháng 11-2017, Tổng thống Trump từng nói với các phóng viên khi ngồi trên chiếc Không Lực 1 rằng: “Lý do về sự thành công của TTCK chính là tôi”. Thực sự, chỉ số DJIA đã tăng 25% trong năm 2017 và cao hơn 5.000 điểm so với thời điểm Donald Trump nhậm chức.
Nhà phân tích David Kostin của Ngân hàng đầu tư quốc gia Hoa Kỳ Goldman Sachs, cho rằng “lạc quan tếu” vẫn có thể là yếu tố tiếp tục chi phối thị trường cổ phiếu năm 2018.
Tuy nhiên, Kostin cũng cảnh báo “lạc quan tếu” có thể dựa trên 3 giả định: khả năng cắt giảm thuế, tăng trưởng GDP cao hơn nên giá dầu cao hơn: “Dù nhóm ngành công nghệ (nhóm chi phối lực tăng giá chính của thị trường) được kỳ vọng tăng trưởng doanh số và lợi nhuận biên cao nhất, nhưng nhóm này có rủi ro cao nhất về cải cách thuế và các quy định của chính phủ. Do đó, nếu một trong 3 giả định này có vấn đề, khả năng thị trường có thể sụp đổ bất cứ lúc nào. Đặc biệt, nếu chính sách cải cách thuế của Tổng thống Trump tiếp tục gây thất vọng, khả năng TTCK có thể lao dốc”.
Thực tế, năm 2017 TTCK Hoa Kỳ tăng điểm là nhờ các doanh nghiệp kiếm được nhiều lợi nhuận hơn. Theo thống kê, năm 2017 lợi nhuận sau thuế của các doanh nghiệp Hoa Kỳ đã vượt 1.800 tỷ USD, cao nhất trong lịch sử. Các doanh nghiệp trên sàn chứng khoán Hoa Kỳ có tính đa quốc gia hơn và thu nhập của họ đến từ nhiều nơi trên thế giới (50% doanh thu của các công ty trong chỉ số S&P 500 đến từ bên ngoài Hoa Kỳ).
Các doanh nghiệp kiếm nhiều tiền là nhóm cổ phiếu công nghệ FANG (Facebook, Amazon, Netflix, Google). Thu nhập của nhóm FANG chủ yếu đến từ nước ngoài. Như Netflix có 5 người sử dụng dịch vụ công ty là quốc tế trên 1 khách hàng nội địa. Vì vậy, sự tăng trưởng TTCK Hoa Kỳ là do sự hồi phục của kinh tế toàn cầu, không riêng gì Hoa Kỳ.