Tham dự hội thảo có bà Nguyễn Lâm Thanh Thủy, Giám đốc Sở TT-TT tỉnh Đồng Tháp; lãnh đạo các sở, ngành, UBND các huyện, thành phố trên địa bàn tỉnh.
Tác động đến phát triển kinh tế tỉnh
Kinh tế số là một trong 3 trụ cột quan trọng trong CĐS quốc gia, có tác động lớn đến sự phát triển kinh tế. Trong đó, kinh tế số gồm 3 thành phần: kinh tế số ICT (sản xuất phần cứng, phần mềm, sản xuất nội dung số, dịch vụ công nghệ thông tin, dịch vụ viễn thông, dịch vụ truy cập internet); kinh tế số nền tảng (kinh tế dữ liệu số, kinh tế nền tảng số, dịch vụ số, kinh doanh số, kinh tế chia sẻ…); kinh tế số ngành, lĩnh vực (quản trị điện tử, thương mại điện tử, ngân hàng điện tử, sản xuất thông minh, nông nghiệp và du lịch thông minh).
Giám đốc Sở TT-TT tỉnh Đồng Tháp Nguyễn Lâm Thanh Thủy cho biết, năm 2023, đóng góp kinh tế số cho GRDP của tỉnh là 4,96%. Tuy chưa đạt như kỳ vọng, nhưng có thể thấy rằng, CĐS không chỉ là một xu hướng, mà đã trở thành một yêu cầu cấp thiết cho sự phát triển bền vững, trong đó kinh tế số là khâu đột phá chiến lược để đưa Đồng Tháp vươn lên, ổn định và phát triển kinh tế.
Hai năm qua, khẩu hiệu hành động của tỉnh đều tập trung vào CĐS, như: Kinh tế xanh sen hồng bứt phá - Chuyển đổi số Đồng Tháp tiên phong (năm 2023); Chính quyền kiến tạo, công dân số; Kinh tế tuần hoàn, tăng trưởng xanh (năm 2024).
Theo bà Nguyễn Lâm Thanh Thủy, tỉnh đang nỗ lực thúc đẩy phát triển kinh tế số. Đến nay, phát triển kinh tế số của tỉnh có 438 sản phẩm của 102 doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, hợp tác xã bán trên các sàn thương mại điện tử; xây dựng được mô hình thí điểm “Xã thương mại điện tử Mỹ Xương, huyện Cao Lãnh, tỉnh Đồng Tháp”; thu hút 11 doanh nghiệp lĩnh vực công nghệ thông tin, chuyển đổi số đến đặt trụ sở làm việc hoặc văn phòng đại diện; một số doanh nghiệp đã từng bước ứng dụng các hệ thống thông minh trong quá trình hoạt động sản xuất.
Ngoài ra, so với chỉ tiêu Nghị quyết số 04-NQ/TU ngày 31-12-2021 của Tỉnh ủy Đồng Tháp, kế hoạch CĐS của tỉnh có 12/17 chỉ tiêu đạt và vượt, 3/17 chỉ tiêu có khả năng đạt trong năm 2025; so với chỉ tiêu đề ra trong Đề án CĐS tỉnh Đồng Tháp: vượt và đạt 31/46 chỉ tiêu.
Nỗ lực phát triển kinh tế số
Bà Nguyễn Lâm Thanh Thủy cho biết, Sở TT-TT đã tham mưu UBND tỉnh tập trung thực hiện nhiều giải pháp để phát triển kinh tế số. Đặc biệt là tập trung nâng cao nhận thức CĐS qua các phương tiện truyền thông, các cuộc thi tìm hiểu về CĐS và hoạt động của tổ công nghệ số cộng đồng.
Tỉnh cũng tập trung đào tạo và nâng cao kỹ năng số cho người dân, đến nay, 67% dân số trên địa bàn tỉnh đã có kỹ năng số cơ bản như: khai thác thông tin trên mạng internet, sử dụng mạng xã hội, mua bán hàng hóa trên sàn thương mại điện tử, sử dụng hoặc thuê các thiết bị IoT vào sản xuất và đời sống.
Việc phát triển kinh tế số thành công, cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin, hạ tầng viễn thông là rất quan trọng. Hiện internet băng thông rộng đã kết nối đến 100% khóm, ấp trên địa bàn tỉnh với 83,66% hộ gia đình sử dụng; mạng di động 3G, 4G, 5G đã phủ kín các khu vực dân cư với 94,5% thuê bao sử dụng điện thoại thông minh.
Sở TT-TT tỉnh đang phối hợp các doanh nghiệp viễn thông hỗ trợ người dân hướng đến 100% thuê bao di động đều sử dụng điện thoại thông minh. Tỉnh tiếp tục đầu tư vào mạng lưới internet băng thông rộng để mọi người dân đều có thể tiếp cận công nghệ số; triển khai chương trình hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa CĐS… Đến nay đã hoàn thành thủ tục hỗ trợ cho 6 doanh nghiệp, đang đánh giá hồ sơ của 42 doanh nghiệp.
Ngoài ra, Viettel Đồng Tháp đã hợp tác đồng hành cùng doanh nghiệp vừa và nhỏ của tỉnh thông qua cung cấp hệ sinh thái nền tảng CĐS cho doanh nghiệp; giải pháp truy xuất nguồn gốc, tài chính số, hợp đồng điện tử và chữ ký số.
Sở KH-CN tỉnh cũng đã xây dựng sàn giao dịch công nghệ và thiết bị trực tuyến để hỗ trợ doanh nghiệp. Đây là loại hình tổ chức trung gian, một trong các yếu tố cấu thành quan trọng của thị trường KH-CN, có khả năng thực hiện tất cả các dịch vụ hỗ trợ các bên có nhu cầu giao dịch công nghệ, tài sản trí tuệ, từ chào mua, chào bán, giới thiệu, đại diện, đại lý, tư vấn, môi giới, hỗ trợ định giá, hỗ trợ kỹ thuật, hỗ trợ đàm phán, ký kết đến thực hiện giao dịch công nghệ, tài sản trí tuệ.
Được biết, sàn giao dịch công nghệ và thiết bị tỉnh Đồng Tháp có 3 chức năng chính là: giao dịch công nghệ; tư vấn chuyển giao công nghệ và tìm kiếm đối tác. Sàn hiện có trên 2.000 thông tin sản phẩm, thiết bị công nghệ, đã kết nối thành công 1 hợp đồng thương mại với tổng số tiền trên 500 triệu đồng.
Tại hội thảo này, Sở TT-TT tỉnh Đồng Tháp công bố bảng xếp hạng CĐS (DTI) của các sở, ngành, địa phương trong tỉnh năm 2023.
Cụ thể, Sở KH-CN hạng Nhất, Sở Công thương hạng Nhì; Sở VH-TT-DL hạng Ba. Các địa phương gồm: Tháp Mười hạng Nhất, TP Sa Đéc hạng Nhì, TP Cao Lãnh hạng Ba.
Các đơn vị này được Chủ tịch UBND tỉnh tặng Bằng khen vì có thành tích xuất sắc trong công tác CĐS năm 2023.
Ngoài ra, 12 tập thể và 12 cá nhân Tổ Công nghệ số cộng đồng và thanh niên CĐS được nhận Bằng khen của Chủ tịch UBND tỉnh, vì có thành tích xuất sắc trong triển khai hoạt động Tổ Công nghệ số cộng đồng trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp năm 2024.
Tham luận tại hội thảo, các đại biểu đã có nhiều phân tích, chia sẻ nhằm thúc đẩy sự phát triển kinh tế số của tỉnh trong thời gian tới, như: CĐS cho doanh nghiệp nhỏ và vừa; xây dựng sàn giao dịch công nghệ và thiết bị trực tuyến; phổ cập tên miền quốc gia “.vn” gắn với dịch vụ số, lời giải phát triển, công dân số, xã hội số, kinh tế số; bảo mật hệ thống trên nền tảng AI và phòng chống Ransomware; VNPT đồng hành phát triển kinh tế số Đồng Tháp; kết quả đạt được trong thực hiện CĐS trên địa bàn huyện Tháp Mười và giải pháp nâng cao kết quả CĐS; kinh nghiệm phổ cập kỹ năng số phục vụ phát triển kinh tế số trên địa bàn huyện Châu Thành…