Qua phân tích nền kinh tế số Đông Nam Á tại 6 thị trường lớn nhất bao gồm Indonesia, Malaysia, Philippines, Singapore, Thái Lan và đặc biệt là Việt Nam, các chuyên gia khẳng định tiềm năng của nền kinh tế số cũng như doanh nghiệp công nghệ rất to lớn.
Vato, một dịch vụ đặt xe của Việt Nam mới xuất hiện gần đây, một hình thức của kinh tế số hiện nay. Ảnh: T.BA
Điểm đến của các nhà đầu tư quốc tế
Ngày nay, với chiếc điện thoại thông minh trên tay, chúng ta có thể đặt xe qua các ứng dụng đặt xe; đặt món ăn yêu thích qua ứng dụng đặt thức ăn; thanh toán các loại hóa đơn điện, nước và thậm chí trả tiền mua hàng qua các ví điện tử. Những ứng dụng di động đã đi vào đời sống như Grab, GoViet, MoMo, ZaloPay… là những “nhân tố” làm thay đổi nhanh cơ cấu kinh tế, hình thành nền kinh tế số.
Theo ông Rohit Sipahimalani, Trưởng nhóm đầu tư của Temasek, công nghệ di động đang thay đổi cách thức người dân Đông Nam Á sống và làm việc; cung cấp khả năng tiếp cận tốt hơn đến các thị trường và những cơ hội mới.
Xu hướng này đang tạo ra những cơ hội đầu tư hấp dẫn trong nền kinh tế số của Đông Nam Á. Những cơ hội này khai thác các xu hướng cấu trúc đang được thúc đẩy bởi các công nghệ biến đổi và thay đổi mô hình tiêu dùng.
Nhìn vào bức tranh tổng thể, những con số thống kê cho thấy thực tế phát triển và tiềm năng của kinh tế số: Đông Nam Á có 360 triệu người dùng Internet, với hơn 90% kết nối mạng chủ yếu qua điện thoại di động; nền kinh tế Internet Đông Nam Á trên đà đạt 100 tỷ USD vào cuối năm 2019 và tiếp tục tăng đến con số 300 tỷ USD vào năm 2025.
Tại Việt Nam, nền kinh tế số có tốc độ tăng trưởng bứt phá, đứng thứ 2 trong khu vực Đông Nam Á (sau Indonesia), ước đạt 12 tỷ USD năm 2019 và dự kiến đạt 43 tỷ USD năm 2025. Việt Nam là thị trường thu hút đầu tư đứng thứ 3 trong khu vực, với 600 triệu USD đầu tư từ 2018 đến nửa đầu 2019.
Năm 2019, số lượng thương vụ đầu tư ít hơn nhưng giá trị cao hơn. Một số thương vụ đầu tư vào MoMo, Sendo, Topica từ các nhà đầu tư quốc tế góp phần đưa Việt Nam trở thành điểm đến của các đầu tư.
Hệ sinh thái là phương thức cốt lõi
Giám đốc quản lý Google Đông Nam Á Stephanie Davis cho biết: “Đông Nam Á có một nền kinh tế số vô cùng năng động, với việc người dân sử dụng công nghệ kỹ thuật số để thực hiện hàng triệu tác vụ hàng ngày, dẫn đến một sự tăng trưởng chưa từng có của nền kinh tế số. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều việc phải làm để có thể hiện thực hóa tiềm năng phi thường của khu vực này.
Với việc hỗ trợ các doanh nghiệp nhỏ phát triển, đào tạo kỹ năng số cho công dân Đông Nam Á, mở rộng khả năng truy cập Internet cho nhiều người hơn hay ủng hộ những quy định và chính sách thông minh, chúng tôi mong muốn đem nhiều lợi ích của công nghệ đến cho hàng triệu người trên khắp khu vực Đông Nam Á sôi động này”.
Với sự bùng nổ của ngành công nghệ Internet đã mang đến những thay đổi có tính nền tảng trong cách thức con người mua sắm, ăn uống và di chuyển. Thương mại điện tử đang là ngành chiếm tỷ trọng lớn nhất và tăng trưởng nhanh nhất.
Hơn 150 triệu người dân Đông Nam Á hiện đang mua những thứ họ cần qua mạng, và giá trị của ngành thương mại điện tử hiện tại đã đạt đến 35 tỷ USD, so với chỉ 5 tỷ USD vào năm 2015, và đang trên đà chạm đến 150 tỷ USD vào năm 2025. Ứng dụng gọi xe công nghệ cũng đang tăng trưởng mạnh mẽ, với 40 triệu người gọi xe, đặt thức ăn và sử dụng các dịch vụ khác theo nhu cầu, so với chỉ 8 triệu người vào năm 2015.
Đáng chú ý, Việt Nam cùng Indonesia là 2 thị trường bứt phá trong xu hướng phát triển nền kinh tế số so với các quốc gia còn lại trong khu vực. Báo cáo cho thấy, nền kinh tế số tại Việt Nam đã bứt phá mạnh mẽ, bao gồm các lĩnh vực: thương mại điện tử, du lịch trực tuyến, truyền thông trực tuyến, gọi xe công nghệ…
Năm 2019, Việt Nam sở hữu 61 triệu người dùng Internet, và người dùng dành một khoảng thời gian không nhỏ sử dụng Internet trên thiết bị di động như điện thoại thông minh (smartphone). Đối tượng sử dụng tập trung vào nhóm các ứng dụng mạng xã hội và truyền thông liên lạc (52%), ứng dụng xem video (20%) và game (11%), cùng các ứng dụng cho công việc… Đó là những nền tảng vững chắc để thúc đẩy kinh tế số phát triển.
Theo các chuyên gia, khi hệ sinh thái công nghệ ngày càng hoàn thiện, các công ty thuộc nền kinh tế số bắt đầu chuyển sự tập trung từ việc tìm kiếm thêm khách hàng mới sang tăng cường tương tác với những khách hàng hiện tại.
Để làm được điều đó, các công ty công nghệ cung cấp đa dạng các sản phẩm và mở rộng sang các dịch vụ mới như những chương trình khuyến mãi dạng trò chơi tương tác, nội dung phát trực tuyến hấp dẫn, tin tức trực tiếp và hơn thế nữa. Người tiêu dùng đang hưởng lợi từ những xu hướng này khi được tiếp cận nhiều lựa chọn hơn với mức giá thấp hơn…Đây là cách mà các công ty công nghệ đang đưa kinh tế số đi lên, khác xa với kinh tế truyền thống bấy lâu nay.