Kinh tế số năm 2023 đã đóng góp khoảng 16,5% GDP

Việt Nam là quốc gia có tốc độ phát triển kinh tế số nhanh nhất khu vực Đông Nam Á trong 2 năm liên tiếp (2022, 2023). Theo ước tính của Bộ TT-TT, kinh tế số năm 2023 đã đóng góp khoảng 16,5% GDP.

Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì và phát biểu tại phiên họp thứ 7 của Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số, chiều 28-12. Ảnh: VIẾT CHUNG
Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì và phát biểu tại phiên họp thứ 7 của Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số, chiều 28-12. Ảnh: VIẾT CHUNG

Chiều 28-12, Thủ tướng Phạm Minh Chính, Chủ tịch Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số chủ trì phiên họp thứ 7 của ủy ban, tổng kết hoạt động năm 2023 và phương hướng, nhiệm vụ trọng tâm năm 2024.

Đánh giá kết quả nổi bật về chuyển đổi số quốc gia năm 2023, Bộ TT-TT cho biết, chương trình chuyển đổi số quốc gia, chiến lược quốc gia phát triển chính phủ số, kinh tế số và xã hội số đặt ra 62 mục tiêu, trong đó 18 mục tiêu đã hoàn thành (đạt 29%), 27 mục tiêu có khả năng hoàn thành cao (chiếm 43,5%) và 17 mục tiêu cần phải nỗ lực tập trung mới có thể hoàn thành đúng hạn (chiếm 27,5%). Kế hoạch năm 2023 đặt ra 126 nhiệm vụ, 102 nhiệm vụ đã hoàn thành, đạt tỷ lệ 81%.

Đáng chú ý, Bộ Công an triển khai Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, đã kết nối, chia sẻ dữ liệu cho 15 bộ, ngành, 63 địa phương, 4 doanh nghiệp, phục vụ hơn 1,3 tỷ lượt yêu cầu tra cứu, 537 triệu lượt đồng bộ thông tin. Hiệu quả của việc khai thác dữ liệu dân cư đã tạo thuận lợi cho người dân khi thực hiện các dịch vụ công. Đơn cử như việc đăng ký khám chữa bệnh đã được giảm thời gian từ 10 phút đến vài giờ còn khoảng 10 giây; thời gian đón tiếp bệnh nhân ước tính giảm được hơn 1 giờ so với trước; rút ngắn thời gian thời gian chờ cấp thẻ bảo hiểm y tế cho trẻ em dưới 6 tuổi từ 5 ngày xuống còn 2 ngày; rút ngắn thời gian giải quyết hưởng mai táng phí từ 10 ngày xuống còn 7 ngày.

2-7873.jpg
Bộ trưởng Bộ TT-TT Nguyễn Mạnh Hùng báo cáo tại phiên họp. Ảnh: VIẾT CHUNG

Tương tự, dịch vụ cấp hộ chiếu phổ thông do Bộ Công an cung cấp đã tiếp nhận trên 2,15 triệu hồ sơ, trong đó có 1,98 triệu hồ sơ trực tuyến, đạt tỷ lệ 93%. Hộ chiếu sẽ được gửi theo đường bưu chính công ích về tận nhà…

Bên cạnh đó, trong lĩnh vực GD-ĐT, trước đây, hơn 1 triệu học sinh tham gia dự thi THPT và hơn 660.000 thí sinh đăng ký xét tuyển phải nhập tay các thông tin bằng phiếu xét tuyển, mất nhiều thời gian và dễ gặp sai sót. Năm 2023, 94% học sinh đã đăng ký theo hình thức trực tuyến. Các thông tin cơ bản đã được đồng bộ và điền tự động vào biểu mẫu, học sinh không cần nhập lại dữ liệu đã có trong cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và cơ sở dữ liệu chuyên ngành. Tính đến tháng 12-2023, số lượng hóa đơn điện tử cơ quan thuế đã tiếp nhận và xử lý là hơn 5,5 tỷ hóa đơn, trong đó có hơn 1,6 tỷ hóa đơn có mã, gần 4 tỷ hóa đơn không mã..

Kết luận hội nghị, Thủ tướng Phạm Minh Chính khẳng định, chuyển đổi số nhanh, hiệu quả, bền vững, toàn diện hơn, không để ai bị bỏ lại phía sau là một trong những nhiệm vụ trọng tâm, đột phá của Chính phủ trong nhiệm kỳ này. Năm 2023, chuyển đổi số quốc gia được đẩy mạnh theo hướng toàn dân, toàn diện, có kết quả thiết thực, đóng góp tích cực vào phát triển kinh tế - xã hội đất nước. Năm Dữ liệu số quốc gia 2023 đã tạo những nền tảng cơ bản trong tạo lập và chia sẻ dữ liệu trong cơ quan nhà nước, tạo nền móng cho phát triển cả 3 trụ cột (chính phủ số, kinh tế số, xã hội số).

1-5815.jpg
Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu tại phiên họp. Ảnh: VIẾT CHUNG

Thủ tướng ghi nhận những kết quả nổi bật trong lĩnh vực này, theo đó Việt Nam là quốc gia có tốc độ phát triển kinh tế số nhanh nhất khu vực Đông Nam Á trong 2 năm liên tiếp (2022, 2023); thương mại điện tử tăng 11%, kinh tế số du lịch tăng 82%, thanh toán số tăng 19%. Theo ước tính của Bộ TT-TT, kinh tế số năm 2023 đã đóng góp khoảng 16,5% GDP. Dịch vụ công trực tuyến được đẩy mạnh, đem lại hiệu quả thiết thực, từng bước xây dựng nền hành chính chuyên nghiệp, hiện đại, phục vụ ngày càng tốt hơn cho người dân và doanh nghiệp.

Chỉ rõ những tồn tại, hạn chế trong lĩnh vực chuyển đổi số, trong đó nhiều thủ tục hành chính vẫn chưa được cắt giảm, đơn giản hóa, Thủ tướng nêu rõ chủ đề chuyển đổi số năm 2024 là phát triển kinh tế số với 4 trụ cột công nghiệp công nghệ thông tin, số hóa các ngành kinh tế, quản trị số, dữ liệu số - động lực quan trọng cho phát triển kinh tế - xã hội nhanh và bền vững. Thủ tướng nhấn mạnh tinh thần bắt kịp, tiến cùng và nỗ lực đột phá vượt lên trong phát triển kinh tế số ngang tầm quốc tế, khu vực, góp phần xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ gắn với hội nhập quốc tế sâu rộng, thực chất, hiệu quả.

Thủ tướng nhấn mạnh, các bộ, ngành, địa phương cần tích cực, chủ động, kịp thời, hiệu quả hơn nữa trong phối hợp với Bộ Công an để khai thác toàn diện, kịp thời, hiệu quả CSDL quốc gia về dân cư, phục vụ đơn giản hóa thủ tục hành chính, giảm chi phí đầu vào, thời gian đi lại cho người dân, doanh nghiệp, góp phần xây dựng CSDL “đúng, đủ, sạch, sống”.

Để đẩy mạnh số hóa các ngành kinh tế, ngoài việc giao nhiệm vụ cụ thể cho các bộ, ngành, Thủ tướng đề nghị các Phó Thủ tướng phụ trách các ngành, lĩnh vực tổ chức các phiên họp chuyên đề của Ủy ban chuyển đổi số quốc gia về số hóa các ngành kinh tế.

Thủ tướng cũng yêu cầu nâng cao hiệu quả thực hiện dịch vụ công trực tuyến, nhất là 53 dịch vụ công thiết yếu, nâng cao tỷ lệ xử lý hồ sơ trực tuyến, số hóa kết quả, số hóa hồ sơ và tái sử dụng dữ liệu. Đẩy mạnh phát triển hạ tầng số quốc gia, tập trung xây dựng Trung tâm Dữ liệu quốc gia; khẩn trương nâng cấp đường trục quốc gia để sớm thương mại hóa 5G trong năm 2024; xóa vùng lõm sóng di động trên phạm vi toàn quốc…

Tin cùng chuyên mục