Dựa trên ước tính của IDC, tổng nền kinh tế kỹ thuật số của Đông Nam Á cộng với Nhật Bản và Hàn Quốc (gọi tắt là SEAKJ) dự kiến sẽ tăng 82% trong 5 năm, từ 501,7 tỷ USD vào năm 2022 lên 914,9 tỷ USD vào năm 2027. Điều này có được nhờ sự tăng trưởng ấn tượng về cả doanh thu thương mại điện tử xuyên biên giới và du lịch.
Đây là kết quả của tốc độ tăng trưởng thanh toán kỹ thuật số nhanh chóng, dẫn đầu là hình thức mua trước trả tiền sau (BNPL, 38%), ví di động (18,9%), thanh toán nội địa (16,9%) và thẻ tín dụng (14,4%). Tuy nhiên, việc tích hợp giữa các thị trường SEAKJ vẫn còn phức tạp, với nhiều nền tảng thương mại điện tử và phương thức thanh toán khác nhau.
Cần lưu ý rằng, ở Đông Nam Á thanh toán kỹ thuật số nội địa từng nước liên tục đạt mức tăng trưởng cao do các sáng kiến của chính phủ nhằm giảm sự thiếu sử dụng tiền mặt và tăng cường hệ thống tài chính và giám sát. Ví di động và BNPL cũng chứng kiến số lượng người dùng tăng nhanh.
IDC dự báo, doanh thu thương mại điện tử xuyên biên giới SEAKJ sẽ tăng trưởng ấn tượng 70% lên 148,1 tỷ USD vào năm 2027, vượt xa tốc độ tăng trưởng của doanh thu thương mại điện tử trong nước. Khi thương mại điện tử nội địa tại các thị trường như Hàn Quốc đang tiến đến giai đoạn trưởng thành, thương mại xuyên biên giới ở châu Á nhìn chung vẫn chưa được khai thác hết tiềm năng.
Những cải tiến liên tục đối với cơ sở hạ tầng thương mại sẽ tăng cường dòng hàng hóa xuyên biên giới trong khu vực, tạo cơ hội đáng kể cho các doanh nghiệp Đông Nam Á muốn mở rộng thị trường sang Hàn Quốc, Nhật Bản và ngược lại. Tuy nhiên, để thành công, theo các nhà kinh tế, phải hiểu rõ các động lực/sở thích mua hàng và khả năng cạnh tranh của sản phẩm, cũng như tìm kiếm các đối tác có thể đơn giản hóa toàn bộ quy trình xuyên biên giới, từ thanh toán đến thực hiện đơn hàng.
Chi tiêu du lịch cũng đang bùng nổ ở SEAKJ, được dự đoán sẽ tăng trưởng 334% vào năm 2027, đóng góp 171,4 tỷ USD cho nền kinh tế khu vực. Một trong những trụ cột chiến lược quan trọng của SEAKJ là phục hồi ngành du lịch sau đại dịch, sẽ được hỗ trợ thêm từ các khoản thanh toán liền mạch trên toàn khu vực. Đây có thể là một cách để tăng chi tiêu và khai thác thêm giá trị từ các cơ hội du lịch, đặc biệt là đối với các doanh nghiệp nhỏ.
Ông Aung Kyaw Moe, người sáng lập và giám đốc điều hành của 2C2P, một trong những công ty đầu tiên gia nhập lĩnh vực thu tiền thanh toán trực tuyến từ người tiêu dùng Đông Nam Á, cho rằng những dự báo của IDC sẽ khuyến khích các doanh nghiệp tận dụng tiềm năng to lớn của nền kinh tế kỹ thuật số bằng cách khai thác các sáng kiến và công cụ hiện có của khu vực công và tư nhân.
Theo ông Moe, “Thông qua các giải pháp thanh toán toàn diện của mình, chúng tôi sẵn sàng hợp tác các doanh nghiệp để nắm bắt những cơ hội thú vị trong toàn khu vực”.