Kinh tế quý 2 tiếp tục đối mặt với nhiều khó khăn, chưa thể tăng trưởng bứt phá

Để tăng trưởng kinh tế cả năm đạt 6,5%, trong 9 tháng còn lại của năm 2023, kinh tế cả nước cần phải tăng khoảng 7,5%.
Các doanh nghiệp sản xuất phải đối diện với nhiều khó khăn do nhu cầu của thị trường thế giới suy giảm
Các doanh nghiệp sản xuất phải đối diện với nhiều khó khăn do nhu cầu của thị trường thế giới suy giảm

Ngày 21-4, Trường Đại học Kinh tế quốc dân Hà Nội phối hợp cùng Ban Kinh tế Trung ương, Ủy ban Kinh tế của Quốc hội tổ chức hội thảo khoa học quốc gia nhằm đánh giá tình hình kinh tế Việt Nam năm 2022 và triển vọng năm 2023; đồng thời công bố ấn phẩm "Đánh giá kinh tế Việt Nam thường niên 2022" của Trường Đại học Kinh tế quốc dân.

Tại hội thảo, nhóm chuyên gia Trường Đại học Kinh tế quốc dân nhận định, để đạt mục tiêu cả năm tăng trưởng 6,5% kinh tế quý 1 và quý 2 cần phải đạt được mức tăng lần lượt là 5,6% và 6,7%.

Tuy vậy, tăng trưởng kinh tế cả nước quý 1-2023 ước chỉ đạt 3,32%, do đó, để tăng trưởng kinh tế cả năm đạt 6,5%, trong 9 tháng còn lại của năm 2023, kinh tế cả nước cần phải tăng khoảng 7,5%. Mặc dù xu hướng chung là kinh tế thường tăng trưởng thấp trong quý 1, gia tăng dần ở quý 2, sau đó bứt phá ở nửa cuối năm và năm 2023, kinh tế Việt Nam vẫn có thể đi theo xu hướng này, song, theo các chuyên gia, kinh tế quý 2 tiếp tục đối mặt với nhiều khó khăn, chưa thể tăng trưởng bứt phá.

Nhóm nghiên cứu khuyến nghị, để ổn định thúc đẩy tăng trưởng kinh tế quý 2 và các quý tiếp theo, cơ quan quản lý cần xây dựng chính sách tiền tệ linh hoạt, phù hợp tình hình thực tế.

Mặc dù, nhiều ngân hàng đã đồng loạt hạ lãi suất sau thời gian đứng ở mức cao, nhưng do độ trễ về thời gian, thời gian tới chính sách này mới “ngấm” dần, giúp giảm chi phí đầu vào hoạt động sản xuất, kinh doanh của khu vực doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh.

Bên cạnh đó, cần có giải pháp hỗ trợ hiệu quả các doanh nghiệp thiếu vốn, giá nguyên liệu đầu vào tăng cao, khó khăn trong tiêu thụ sản phẩm… đồng thời, có giải pháp hỗ trợ kịp thời một số ngành, lĩnh vực bị tác động bất lợi do nhu cầu của thị trường thế giới suy giảm như sản xuất da giày, dệt may, sản xuất và chế biến gỗ...

Các địa phương cần tiếp tục đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công và các gói hỗ trợ, phục hồi kinh tế và phát triển kinh tế giúp tháo gỡ khó khăn tạo cơ hội cho các dự án thi công dở dang được khởi động lại, nhiều công trình được khởi công mới, từ đó tạo tăng trưởng tốt cho ngành xây dựng, giao thông vận tải gia tăng năng lực, cơ sở hạ tầng, thuận lợi cho sản xuất.

Cùng với đó, các cấp các ngành và địa phương cần đơn giản hóa các thủ tục hành chính liên quan đến hoạt động đầu tư, thành lập doanh nghiệp nhằm cải thiện môi trường kinh doanh theo hướng thông thoáng, minh bạch, bình đẳng và cạnh tranh, từ đó nâng cao hiệu quả thu hút đầu tư.

Ngành nông nghiệp đã thể hiện tốt vai trò là “trụ đỡ” của nền kinh tế trong thời kỳ dịch bệnh và ngay cả khi các ngành công nghiệp chế biến, chế tạo và xuất khẩu gặp khó khăn. Thời gian tới, các sản phẩm nông sản được dự báo vẫn được giá; cần thực hiện tốt công tác phát triển, mở rộng không gian cho ngành nông nghiệp, lâm nghiệp và ngư nghiệp phát huy và đạt được kết quả tích cực.

Về phía các đơn vị sản xuất, kinh doanh cần bám sát thị trường, mở rộng hoạt động tìm kiếm khách hàng mới; tăng cường kết nối chuỗi sản xuất - tiêu thụ; cân đối lượng tồn kho và tiêu thụ để bảo đảm dòng tiền cũng như chất lượng sản phẩm, bố trí sản xuất linh hoạt để duy trì hoạt động sản xuất tối ưu.

Tin cùng chuyên mục