Tăng trưởng trì trệ
Mặc dù vậy, theo ông Gentiloni, kinh tế Eurozone không có khả năng rơi vào tình trạng suy thoái. Ông Gentiloni cho biết, triển vọng kinh tế của khu vực phụ thuộc vào 3 yếu tố: thời gian diễn ra cuộc xung đột Nga - Ukraine kéo dài bao lâu; liệu các biện pháp cấm vận có ảnh hưởng đến xuất khẩu năng lượng của Nga sang Liên minh châu Âu (EU) hay không và cuộc xung đột tác động đến niềm tin của nhà đầu tư và người tiêu dùng như thế nào.
Trong khi đó, theo số liệu do cơ quan thống kê của EU (Eurostat) công bố ngày 1-4, lạm phát tại Eurozone trong tháng 3 vừa qua đã tăng lên mức kỷ lục 7,5%, cao hơn nhiều so với mức dự báo 6,6%. Mức tăng giá tiêu dùng tại 19 nước thành viên Eurozone tăng nhanh từ 5,9% trong tháng 2, khi xung đột tại Ukraine và các lệnh trừng phạt nhằm vào Nga đẩy giá nhiên liệu và khí đốt lên mức cao kỷ lục.
Dù năng lượng là nguyên nhân chính khiến lạm phát tăng vọt, song lạm phát giá thực phẩm, dịch vụ và các mặt hàng đều cao hơn so với mục tiêu 2% do Ngân hàng trung ương châu Âu đề ra. Điều này cho thấy giá cả tăng nhanh trên diện rộng, chứ không phải chỉ do ảnh hưởng của giá dầu. Các con số này khiến Ngân hàng trung ương châu Âu rơi vào tình trạng tiến thoái lưỡng nan. Nhiệm vụ chính của Ngân hàng trung ương châu Âu là đưa lạm phát về mức 2%, song các biện pháp siết chặt tiền tệ có nguy cơ tác động tiêu cực đến tăng trưởng kinh tế, vốn đang chịu ảnh hưởng của cuộc xung đột tại Ukraine và đại dịch Covid-19.
Ngân hàng trung ương châu Âu ước tính, kinh tế Eurozone sẽ ghi nhận mức tăng trưởng dương trong quý 1-2022, trong khi tăng trưởng quý 2-2022 sẽ gần như bằng 0, khi giá năng lượng đắt đỏ sẽ làm suy yếu tiêu dùng và đầu tư của doanh nghiệp. Điều này cho thấy, Eurozone sẽ đối mặt với tình trạng lạm phát tăng nhanh đi đôi với tăng trưởng trì trệ.
Khó khăn nối tiếp khó khăn
Vì Ukraine thuộc châu Âu nên không có gì ngạc nhiên khi châu Âu chịu ảnh hưởng trực tiếp của cuộc xung đột Nga - Ukraine hơn Mỹ và châu Á. Hiệu ứng tăng trưởng tích cực trong ngắn hạn do việc dỡ bỏ các biện pháp phong tỏa Covid-19 khó có thể bù đắp vào cú sốc tiêu cực mới này. Chuỗi cung ứng vừa được khơi thông sau khi nhiều nước châu Âu tháo gỡ các biện pháp phòng chống Covid-19 đã gặp khó khăn trở lại do hậu quả của cuộc xung đột và các lệnh trừng phạt Nga.
Do đó, thời gian giao hàng của nhà cung cấp trong tháng 3 bị chậm trễ nhất kể từ tháng 11-2021. Đồng thời, một số doanh nghiệp sử dụng nhiều năng lượng đang bị buộc phải ngừng sản xuất một số sản phẩm do chi phí năng lượng quá đắt đỏ. Vì vậy, các chỉ số về niềm tin kinh doanh tương đối cao hiện tại có lẽ sẽ không kéo dài.
Theo thỏa thuận mới đây, Mỹ sẽ cung cấp cho EU khí đốt tự nhiên hóa lỏng (LNG) nhằm mục đích giảm bớt sự phụ thuộc của châu Âu vào khí đốt tự nhiên của Nga. Theo thỏa thuận, EU sẽ nhận được ít nhất 15 tỷ mét khối LNG bổ sung vào cuối năm 2022. Tuy nhiên, số lượng này gần như không đủ để thay thế lượng khí đốt nhập khẩu từ Nga.
Hóa đơn năng lượng hộ gia đình gia tăng đã hạn chế chi tiêu của họ và đưa chỉ số niềm tin của người tiêu dùng xuống mức thấp nhất kể từ tháng 5-2020. Khi giá nguyên liệu và năng lượng tiếp tục tăng, các công ty châu Âu sẽ không có cách nào khác để bảo vệ tỷ suất lợi nhuận của mình ngoài việc chuyển những chi phí đó cho người tiêu dùng và do đó gây ra lạm phát trên diện rộng.