Bộ trưởng NGUYỄN CHÍ DŨNG: Mô hình KTCK là mô hình được phát triển tại khu vực biên giới đất liền với mục tiêu là thúc đẩy quan hệ thương mại, ngoại giao và hợp tác sản xuất kinh doanh với các nước láng giềng, đóng góp tích cực cho sự phát triển kinh tế - xã hội tại khu vực này, qua đó nâng cao đời sống người dân, góp phần bảo vệ chủ quyền và an ninh quốc phòng khu vực biên giới. Mục tiêu phát triển của khu KTCK có tính đặc thù so với các mô hình khác. Qua các thời kỳ, Đảng, Nhà nước đã có các chủ trương, đường lối, chính sách để định hướng cho sự phát triển của khu KTCK. Các cấp chính quyền địa phương đã tạo điều kiện ngày càng thuận lợi cho các khu KTCK hoạt động và phát triển.
Qua gần 30 năm hoạt động, các khu KTCK đã khẳng định rõ vai trò quan trọng đối với phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo an ninh quốc phòng tại các tỉnh miền núi, biên giới. Tổng kim ngạch xuất khẩu qua các khu KTCK đạt 13,5 tỷ USD, tăng 2,5 lần so với năm 2010 và tăng gần 8 lần so với năm 2005. Tốc độ tăng trưởng bình quân của giai đoạn 2006-2010 đạt 25%; giai đoạn 2011-2015 đạt 20%; đến giai đoạn 2016-2020, tốc độ tăng trưởng bình quân đạt gần 19%/năm, cao hơn tốc độ tăng trưởng bình quân chung của cả nước trong cùng giai đoạn. Tổng thu ngân sách Nhà nước qua các khu KTCK hàng năm đạt trên 10.000 tỷ đồng, tập trung chủ yếu tại các khu KTCK giáp với Trung Quốc…
Về đầu tư, tính đến năm 2020, các khu KTCK cả nước thu hút được trên 575 dự án đầu tư từ các nhà đầu tư trong nước và từ nguồn vốn đầu tư nước ngoài với tổng vốn đầu tư khoảng 83.000 tỷ đồng và trên 1 tỷ USD.
Nhìn chung, việc phát triển kinh tế, thương mại tại các khu KTCK đã góp phần tích cực vào kết quả xuất nhập khẩu và thu ngân sách của các địa phương. Nhiều tỉnh biên giới trước đây là vùng sâu, vùng xa, kinh tế chậm phát triển thì nay đã trở thành những trung tâm kinh tế thương mại phát triển năng động, là trung tâm thương mại lớn của tỉnh, tạo động lực cho các khu vực lân cận phát triển. Các thành tựu trong phát triển kinh tế tại các khu KTCK đã mang lại những tác động tích cực và làm tăng vị thế của các địa phương có khu KTCK. Quá trình phát triển các khu KTCK đã tạo điều kiện chuyển dịch cơ cấu kinh tế của địa phương có khu KTCK theo hướng phát triển các ngành thương mại, dịch vụ, du lịch, công nghiệp; góp phần mở rộng thị trường, tăng cường giao lưu hàng hóa và tăng tính cạnh tranh cho các sản phẩm hàng hóa.
Việc phát triển khu KTCK vẫn có một số khó khăn, hạn chế nhất định, cụ thể như giao thương thương mại và kinh tế chưa khai thác được hết các lợi thế cạnh tranh; kết cấu hạ tầng kỹ thuật và xã hội của các khu KTCK mặc dù đã được đầu tư nhưng chưa đồng bộ, chưa thuận lợi cho các hoạt động giao thương, sản xuất kinh doanh trong khu KTCK; kết quả thu hút đầu tư, nhất là đầu tư nước ngoài còn thấp và quy mô dự án đầu tư chủ yếu là vừa và nhỏ. |
Việc phát triển các khu KTCK đã tạo thêm nhiều việc làm cho người lao động, đời sống nhân dân địa phương được nâng cao, thu nhập bình quân của dân cư trong khu KTCK được cải thiện rõ rệt, góp phần xóa đói giảm nghèo; thu hút dân cư đến làm ăn, sinh sống, gắn bó với khu vực biên giới; từng bước mở rộng quan hệ, giao lưu, thắt chặt tình hữu nghị giữa Việt Nam với các nước láng giềng và tăng cường an ninh, quốc phòng khu vực biên giới.
Có ý kiến cho rằng, các khu KTCK chỉ hoạt động nhộn nhịp khi có chính sách ưu đãi. Một khi không còn hoặc giảm ưu đãi, thì nhiều khu KTCK thậm chí đã trở nên hoang vắng, hiệu quả rất thấp, chưa kể một số hệ lụy khác. Bộ trưởng có bình luận gì?
Xuất phát từ những lợi thế so sánh về vị trí địa lý, chính trị, kinh tế, mỗi quốc gia đã đa dạng hóa các loại hình khu kinh tế nhằm thu hút đầu tư, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, trong đó có loại hình khu KTCK tại khu vực biên giới đất liền để tăng cường giao thương và phát triển quan hệ đối ngoại. Do vậy, các cơ chế chính sách ưu đãi dành cho các khu KTCK là cần thiết để phát huy vai trò của loại hình này. Tuy nhiên, quy mô, mô hình phát triển các khu KTCK cần được hoạch định rõ ràng, có lộ trình và được điều chỉnh phù hợp với tình hình, bối cảnh của từng giai đoạn nhằm tận dụng được lợi thế; đồng thời góp phần tăng trưởng, phát triển kinh tế, bảo đảm an ninh - quốc phòng.
Mặc dù vậy, đúng là cơ chế, chính sách tài chính đối với khu KTCK được thiết kế trên cơ sở các văn bản quy phạm pháp luật hiện hành nên chưa có các ưu đãi đặc thù. Việc đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng chủ yếu dựa vào nguồn ngân sách Trung ương. Tuy nhiên, nguồn ngân sách Trung ương hết sức hạn chế, trong khi nhu cầu đầu tư phát triển của các khu KTCK rất lớn, dẫn đến nhiều khu không thể triển khai xây dựng kết cấu hạ tầng một cách đồng bộ, khó thu hút nhà đầu tư.
Liệu có phải do đã từng có một giai đoạn các địa phương “chạy đua” mở các khu KTCK mà chưa tính toán kỹ lưỡng toàn diện quy mô, cũng như chưa có định hướng phát triển đúng đắn cho các khu kinh tế này?
Nghị quyết số 470/2012/NQ-UBTVQH13 ngày 27-2-2012 về kết quả giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật về xây dựng và phát triển các khu kinh tế, khu KTCK đã quyết định tạm thời không thành lập mới khu kinh tế, khu KTCK để tiến hành tổng kết, rà soát, đánh giá toàn diện hoạt động của các khu kinh tế, khu KTCK, trên cơ sở đó xem xét, lựa chọn một số khu kinh tế có tiềm năng và sức lan tỏa cho phát triển kinh tế - xã hội vùng, cả nước. Từ năm 2012 đến nay không thành lập mới khu KTCK. Tóm lại, tôi cho rằng không có cái gọi là “phong trào đua mở” khu KTCK tại các địa phương.
Diện mạo các khu KTCK tới đây được thể hiện như thế nào trong Quy hoạch tổng thể quốc gia, thưa ông?
Cuối năm 2020, trên cơ sở đề xuất của Bộ KH-ĐT, Chính phủ đã đồng ý danh sách 8 khu KTCK tập trung ưu tiên đầu tư trong giai đoạn 2021-2025, đó là: Móng Cái (Quảng Ninh), Đồng Đăng (Lạng Sơn), Lào Cai, Cao Bằng, Cầu Treo (Hà Tĩnh), Lao Bảo (Quảng Trị), Mộc Bài (Tây Ninh), An Giang. Các khu này được lựa chọn dựa trên 2 nhóm chỉ tiêu:
Thứ nhất là vị trí chiến lược của các khu KTCK trên các tuyến hành lang, vành đai kinh tế quan trọng trong hợp tác với các nước chung đường biên giới, các nước trong khu vực ASEAN và các nước tiểu vùng sông Mê Công mở rộng. Thứ hai là kết quả phát triển và mức độ đóng góp của từng khu KTCK (thông qua các chỉ tiêu kinh tế tổng hợp như kim ngạch xuất nhập khẩu, thu ngân sách, số lượt người và phương tiện xuất nhập cảnh, thu hút đầu tư...). Bộ KH-ĐT đang tiếp tục nghiên cứu để thể hiện những nội dung này vào Quy hoạch tổng thể quốc gia. Cuối cùng, cần lưu ý rằng, việc quy hoạch và phát triển khu vực biên giới nói chung, cũng như các khu KTCK nói riêng, luôn cần có “vùng đệm” vững chắc là các khu dân cư với điều kiện kinh tế - xã hội được ưu tiên đầu tư tốt hơn.
Xin cảm ơn Bộ trưởng!