Chợ đóng cửa, tiểu thương chuyển nghề
Có mặt tại Khu KTCK quốc tế Lệ Thanh vào những ngày này, chúng tôi thấy đường sá dẫn vào cửa khẩu được đầu tư kiên cố. Tuy nhiên, nhiều diện tích đất còn bỏ trống chưa được doanh nghiệp thuê. Đi sâu vào cửa khẩu, chúng tôi thấy nơi đây vắng hoe. Nhiều nhà, ki ốt, hàng quán đang đóng cửa, bên trên treo biển cho thuê nhà. Chợ cửa khẩu Lệ Thanh cũng đóng cửa im ỉm, trước sân cỏ mọc um tùm.
Ông Mạnh, chủ tiệm bán tạp hóa, đặc sản Tây Nguyên, đồ dùng gia đình Mạnh Ánh (sát chợ cửa khẩu Lệ Thanh) cho biết, chợ cửa khẩu buôn bán ế ẩm nên tiểu thương phải đóng cửa, chuyển nghề. Cũng có người không bán buôn được thì bỏ đi. Riêng gia đình ông đến cửa khẩu thuê đất làm ăn cũng đã được 20 năm, nhưng do không có khách nên hiện mỗi ngày chỉ bán cầm chừng được 300.000 đồng tiền hàng. Để kiếm thêm thu nhập, ông Mạnh kiêm nghề cột chổi để bán.
Theo Ban Quản lý Khu kinh tế Gia Lai, tại Khu KTCK quốc tế Lệ Thanh, tính đến tháng 6-2022, có 32 nhà đầu tư thực hiện 39 dự án với tổng vốn đầu tư đăng ký là 541 tỷ đồng. Trong đó, có 11 dự án đã hoàn thành đi vào hoạt động, 19 dự án đang xây dựng, 9 dự án đang làm thủ tục.
Trong 6 tháng đầu năm 2022, doanh thu thuần của các doanh nghiệp tại Khu trung tâm Khu KTCK quốc tế Lệ Thanh ước đạt 294 tỷ đồng, giảm 25% so với cùng kỳ năm 2021. Kim ngạch xuất nhập khẩu qua Cửa khẩu quốc tế Lệ Thanh lũy kế đến ngày 15-5 chỉ đạt 82,8 triệu USD. Thu ngân sách tại Cửa khẩu quốc tế Lệ Thanh đến ngày 15-5 đạt 5,49 tỷ đồng.
Trong khi đó, Khu KTCK quốc tế Bờ Y được quy hoạch hơn 70.400ha, bao gồm các khu chức năng chính như khu phi thuế quan, khu chế xuất, khu công nghiệp, khu dịch vụ, thương mại, khu giải trí, khu du lịch, khu đô thị, khu dân cư, khu hành chính và các khu chức năng khác.
Ghi nhận tại đây cho thấy, hàng hóa bày bán đơn điệu, khách vắng tanh, cửa khẩu đìu hiu. Ông Tống Văn Đồng, Chủ tịch UBND xã Bờ Y, cho biết, hàng xuất khẩu qua lại chủ yếu là hàng nông sản, nhưng hoạt động giao thương còn trầm lắng.
Ban Quản lý Khu kinh tế tỉnh Kon Tum cho biết, đến nay, tại Khu KTCK quốc tế Bờ Y đã thu hút 67 dự án của 56 doanh nghiệp đầu tư với tổng vốn đăng ký 1.429 tỷ đồng. Tổng diện tích đất của 67 dự án là 141,9ha, chiếm 0,2% diện tích đất khu kinh tế. Trong 6 tháng đầu năm 2022, giá trị kim ngạch xuất nhập khẩu qua Cửa khẩu quốc tế Bờ Y đạt hơn 141 triệu USD, thu nộp ngân sách nhà nước đạt 138 tỷ đồng.
Theo Ban Quản lý Khu kinh tế tỉnh Kon Tum, việc thu hút đầu tư vào Khu KTCK Bờ Y chưa đạt được kỳ vọng bởi lý do như nguồn lực đầu tư từ ngân sách để xây dựng cơ sở hạ tầng, bồi thường giải phóng mặt bằng còn hạn chế; quy hoạch chưa phù hợp với tình hình thực tế địa phương.
Tìm lối ra
Thành lập từ năm 1998, Khu KTCK Mộc Bài (Tây Ninh) có diện tích hơn 21.284ha. Sự ra đời khu kinh tế này như luồng gió mới thu hút đầu tư, kích cầu phát triển kinh tế - xã hội khu vực biên giới tỉnh Tây Ninh nói riêng và Đông Nam bộ nói chung.
Tổng vốn đầu tư các công trình kết cấu hạ tầng tại Khu KTCK Mộc Bài từ nguồn ngân sách nhà nước đạt gần 992 tỷ đồng, thu hút được 56 dự án, trong đó có 19 dự án vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), tổng vốn đầu tư đăng ký đạt 401 triệu USD và 8.600 tỷ đồng.
Tuy vậy, các hoạt động kinh tế trong khu kinh tế này chỉ nhộn nhịp một thời gian ngắn, đó là khi triển khai các chính sách ưu đãi về thuế. Những năm gần đây, hoạt động của siêu thị, trung tâm thương mại, chợ đường biên… dần bị thu hẹp, các doanh nghiệp mua bán hàng miễn thuế đều ngừng hoạt động.
Nếu như doanh thu của khu kinh tế năm 2011 đạt 1.237 tỷ đồng thì năm 2017 giảm xuống còn 476 tỷ đồng. Trong khi đó, số dự án đầu tư, vốn đăng ký thực hiện dự án nhiều, nhưng chỉ có khoảng 15% tổng diện tích đất đăng ký đầu tư được đưa vào khai thác, sử dụng, còn lại là các phần đất đền bù không liền thửa, da beo, gây lãng phí tài nguyên đất đai.
Đặc biệt, thu ngân sách từ hoạt động sản xuất kinh doanh tại Khu KTCK Mộc Bài rất thấp, nếu loại trừ số thu phí hạ tầng cửa khẩu, thì số thu chỉ chiếm chưa đến 1% ngân sách toàn tỉnh. Trong khi đó, quy hoạch chung khu kinh tế bộc lộ nhiều hạn chế, bất cập, không còn phù hợp, nhưng chậm được điều chỉnh, bổ sung, nhất là kết cấu hạ tầng cửa khẩu chậm được mở rộng, nâng cấp đã gây ra tình trạng quá tải, ùn ứ trong thời gian gần đây.
Một trong những nguyên nhân khiến Khu KTCK Mộc Bài phát triển chưa như kỳ vọng là chính sách phát triển chủ yếu dựa vào ưu đãi thuế, qua đó, lấy thương mại - dịch vụ làm tâm điểm phát triển và khâu đột phá là bán hàng miễn thuế, nên khi chính sách này thay đổi đã mất động lực thương mại tại đây.
Hiện nay, tỉnh Tây Ninh đã đề ra giải pháp khác theo hướng phát triển Khu đô thị - công nghiệp - dịch vụ cửa khẩu mang tầm quốc gia, khu vực, với các kiến nghị Trung ương tháo gỡ, cụ thể là: cần xác định đây là khu kinh tế trọng điểm của quốc gia, là cực tăng trưởng quan trọng ở khu vực phía Nam, từ đó có cơ chế đặc thù, vượt trội hơn so với các mô hình khu KTCK hiện có.
Bên cạnh đó, Chính phủ đẩy mạnh phân cấp, phân quyền cho địa phương xử lý các vấn đề liên quan quy hoạch, chấp thuận chủ trương đầu tư, chuyển đổi mục đích sử dụng đất nhằm khơi thông thủ tục hành chính.
Đáng chú ý, Tây Ninh kiến nghị giải pháp phân bổ nguồn lực đầu tư hợp lý từ trung ương cho các công trình kết cấu hạ tầng trọng điểm, mang tính kết nối vùng, cụ thể là các bộ ngành cần hỗ trợ tích cực cho TPHCM và tỉnh Tây Ninh hoàn thiện các thủ tục đầu tư, xây dựng để sớm khai thác tuyến cao tốc TPHCM - Mộc Bài.
GS-TS Nguyễn Quang Thuấn, Phó Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương: |
Để phát huy hiệu quả Khu KTCK quốc tế Bờ Y, Ban Quản lý Khu kinh tế tỉnh Kon Tum đề nghị Thủ tướng Chính phủ cho phép điều chỉnh quy hoạch khu kinh tế phù hợp với điều kiện, khả năng của tỉnh và tình hình thực tiễn. |