Kinh tế châu Âu ra sao dưới thời Donald Trump 2.0?

Vào lúc chỉ còn 1 tuần nữa sẽ đến lễ nhậm chức của Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump, Viện nghiên cứu Montaigne của Pháp đã đăng tải bài viết nhận định về nền kinh tế châu Âu trong nhiệm kỳ thứ hai của ông Donald Trump.

Chính sách tài khóa có lợi

Theo bài viết, một chính sách tài khóa mở rộng của chính phủ Mỹ sắp tới nếu được thực hiện sẽ có lợi cho châu Âu. Ông Donald Trump đã hứa từ bỏ Đạo luật giảm lạm phát (IRA) và do vậy, sẽ cắt giảm các khoản chi tiêu dự kiến cho chuyển đổi năng lượng, cũng như hủy bỏ chương trình cải cách bảo hiểm y tế (Đạo luật chăm sóc y tế giá cả phải chăng, hay Obamacare). Mặt khác, ông Donald Trump sẽ giảm thuế doanh nghiệp từ 21% xuống 15%.

N8c.jpg
Hàng hóa được xếp, dỡ tại cảng Rotterdam, Hà Lan. Ảnh: GETTY IMAGES

Mô hình ngân sách của Đại học Pennsylvania đã dự báo rằng chương trình của Tổng thống đắc cử Mỹ sẽ làm tăng thâm hụt ngân sách hàng năm thêm 460 tỷ USD sau khi kết thúc nhiệm kỳ tổng thống. Thâm hụt ngân sách của chính phủ, vốn đã ở mức rất cao sẽ gia tăng trong năm 2025, gây lo ngại cho nền tài chính công Mỹ nhưng lại là tin tốt cho nền kinh tế châu Âu.

Bởi, ít nhất trong ngắn hạn, chính sách tài khóa mở rộng sẽ kích cầu, bao gồm cả cầu đối với phần còn lại của thế giới. Mỹ là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Liên minh châu Âu (EU) với 20% tổng kim ngạch xuất khẩu. Nhưng việc ông Donald Trump cam kết tăng thuế ít nhất 10% đối với tất cả các mặt hàng nhập khẩu, bao gồm cả từ các quốc gia đã ký hiệp định thương mại tự do với Mỹ, sẽ là cú sốc rất lớn đối với EU, nhất là các thành viên Italy, Đức và Pháp.

Nhờ quy mô thị trường lớn của EU và chuyên môn của Ủy ban châu Âu, EU có quyền đàm phán thực sự với Mỹ về quan hệ thương mại. Việc Mỹ đe dọa tăng thuế quan lên 10%, thậm chí 20%, đối với hàng hóa nhập khẩu từ châu Âu, chỉ là động thái đầu tiên trong quá trình đàm phán.

Khoảng cách về công nghệ

Nếu như chính quyền của Tổng thống Mỹ Joe Biden có xu hướng hạn chế quyền lực thị trường ngày càng lớn của các tập đoàn công nghệ như Alphabet, Amazon hay Meta, thì dường như đội ngũ của ông Donald Trump lại có cách tiếp cận thân thiện hơn nhiều. Trong bất kỳ trường hợp nào, các “ông lớn công nghệ” sẽ tiếp tục đầu tư mạnh mẽ vào trí tuệ nhân tạo (AI) và điện toán lượng tử, tận dụng những quy định lỏng lẻo, đồng thời không ngần ngại mua lại bất kỳ công ty khởi nghiệp đầy hứa hẹn nào, có thể là để phát triển các dự án của họ, hoặc để “chôn vùi” nếu những đổi mới sáng tạo đó bị coi là mối đe dọa cho doanh nghiệp.

Về lâu dài, điều này có thể dẫn đến một sự thụt lùi đổi mới sáng tạo, khi thị trường đóng cửa với những người mới tham gia, nhưng trong ngắn hạn, sự thống trị của Mỹ trong các lĩnh vực công nghệ có thể sẽ được tăng cường. Khoảng cách về lĩnh vực công nghệ giữa Mỹ và châu Âu (nơi có quy định rất nghiêm ngặt về cạnh tranh), càng trở nên lớn hơn.

Tin cùng chuyên mục