Kinh tế châu Á khởi sắc

Ngày 28-4, Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) đã nâng dự báo tăng trưởng kinh tế trong năm 2021 đối với các nước đang phát triển tại châu Á trong bối cảnh các chiến dịch tiêm phòng vaccine Covid-19 được triển khai cũng như nhu cầu xuất khẩu tăng mạnh trên thế giới. 
16 quốc gia khu vực châu Á - Thái Bình Dương ký kết RCEP. Ảnh: CNN
16 quốc gia khu vực châu Á - Thái Bình Dương ký kết RCEP. Ảnh: CNN

Nâng mức tăng trưởng

 Khu vực đang phát triển gồm 45 quốc gia thuộc châu Á - Thái Bình Dương, được dự báo có mức tăng trưởng 7,3% vào năm 2021 so với mức 6,8% trong báo cáo công bố tháng 12-2020. Đến năm 2022, khu vực này được dự báo sẽ có mức tăng trưởng 5,3%. Tuy nhiên, ADB cảnh báo, quá trình hồi phục kinh tế diễn ra không đồng đều giữa các nước.

Báo cáo về viễn cảnh phát triển châu Á của ADB công bố ngày 28-4 nêu rõ: “Một số nền kinh tế tiếp tục chật vật trong cuộc chiến chống dịch Covid-19. Các nền kinh tế phụ thuộc vào du lịch sẽ hồi phục chậm hơn. Ngược lại, một số ít nền kinh tế kiểm soát được dịch bệnh trong nước và hưởng lợi từ sự phục hồi nhu cầu mua sắm trên toàn cầu tiếp tục phát triển”. 

Theo dự báo của ADB, Trung Quốc và Ấn Độ sẽ dẫn đầu sự phục hồi kinh tế trên toàn bộ khu vực rộng lớn, trải dài từ quần đảo Cook ở Thái Bình Dương đến Kazakhstan ở Trung Á.

Cụ thể, kinh tế Trung Quốc dự kiến có mức tăng trưởng 8,1% nhờ sự gia tăng về nhu cầu trên thế giới đối với các sản phẩm do nước này sản xuất cũng như gia tăng chi tiêu trong nước.

Trong khi đó, tăng trưởng kinh tế của Ấn Độ được dự báo đạt 11% trong năm 2021, so với 8% trong năm 2020. Theo nhà kinh tế trưởng Yasuyuki Sawada của ADB, mức dự báo lạc quan về tăng trưởng kinh tế của Ấn Độ có thể sẽ được điều chỉnh trong bối cảnh quốc gia Nam Á này đang phải ứng phó với đợt dịch mới, khi số ca mắc và tử vong do dịch Covid-19 gia tăng đột biến.

Tuy nhiên, theo ông Sawada, dự báo trên vẫn có thể đạt được và có tính thực tế ở thời điểm hiện tại do Ấn Độ đang áp dụng nhiều biện pháp ngăn chặn chuỗi lây lan của dịch bệnh, trong đó có chiến dịch tiêm chủng vaccine Covid-19 trên toàn quốc. 

Ở khu vực Đông Nam Á, Việt Nam được dự báo có mức tăng trưởng 6,7% trong năm 2021 và 7% trong năm 2022. Philippines -  nền kinh tế trì trệ nhất khu vực Đông Nam Á trong năm 2020 với mức suy giảm 9,6%, được dự báo tăng trưởng 4,1% trong năm nay. 

Tăng dòng chảy thương mại

 Cơ quan tiền tệ Singapore (MAS) đã công bố đánh giá kinh tế vĩ mô thường niên, trong đó khẳng định, Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) giúp giảm thuế quan và làm hài hòa các quy tắc thương mại, giúp Singapore và các nước khác trong khu vực hưởng lợi bằng cách gắn kết sâu hơn vào chuỗi cung ứng toàn cầu.

Bản đánh giá của MAS nhấn mạnh, RCEP sẽ giúp gia tăng dòng chảy thương mại trong khu vực và làm sâu sắc hơn các mối liên kết sản xuất xuyên biên giới trong 15 nền kinh tế thành viên. 

Tương tự các Hiệp định thương mại mà Singapore đã ký với Trung Quốc và Hàn Quốc, RCEP sẽ thúc đẩy khả năng cạnh tranh của khu vực như là địa điểm cho các chuỗi cung ứng.

Đầu tiên là việc cắt giảm thuế quan với mức giảm trung bình 0,7% vào năm thứ 10 và 1% vào năm thứ 20 sau khi hiệp định có hiệu lực. Các quốc gia riêng lẻ trong khối thương mại được dự báo có GDP tăng trưởng từ 0,4%-0,6%.

Lợi ích thứ 2 đến từ việc hài hòa các quy tắc xuất xứ, quy định cách đánh giá hàm lượng sản xuất trong nước để sản phẩm đủ điều kiện hưởng thuế suất nhập khẩu ưu đãi.

Theo MAS, với các quy tắc xuất xứ chung theo RCEP, các công ty có thể tối ưu hơn nguồn nguyên liệu thô và nguyên liệu đầu vào từ các nước thành viên, đồng thời vẫn được hưởng lợi từ mức thuế quan thấp hơn.

Giám đốc quốc gia ADB tại Việt Nam Andrew Jeffries nhận định, tăng trưởng kinh tế của Việt Nam sẽ được thúc đẩy bởi ngành công nghiệp chế biến chế tạo định hướng xuất khẩu, tăng đầu tư và mở rộng thương mại. Đà tăng trưởng được dự báo sẽ tiếp tục nhờ các chương trình cải cách nhằm cải thiện môi trường kinh doanh và sự tham gia của Việt Nam vào nhiều hiệp định thương mại tự do với hầu hết các nền kinh tế phát triển. 

Giá dầu thế giới và tiêu dùng nội địa cùng gia tăng, dự kiến sẽ đẩy tỷ lệ lạm phát lên 3,8% trong năm nay và 4% trong năm 2022. Sự phục hồi nhanh hơn so với dự kiến ở Trung Quốc, Mỹ sẽ cải thiện đáng kể triển vọng thương mại và tăng trưởng của Việt Nam. 


Tuy nhiên, tốc độ triển khai chương trình tiêm chủng vaccine Covid-19 không đồng đều trên toàn cầu có thể trì hoãn việc Việt Nam trở lại với mức tăng trưởng mạnh mẽ.

ANH PHƯƠNG

Tin cùng chuyên mục