Tại lễ công bố nhận diện thương hiệu mới của Vinamilk, bà Mai Kiều Liên, Tổng Giám đốc Vinamilk, khẳng định, ngoài yếu tố chất lượng, thì thương hiệu, hình thức bao bì có vai trò rất quan trọng cho sự thành công khi gia nhập thị trường của doanh nghiệp. Vinamilk vừa chính thức thay đổi toàn bộ nhận diện thương hiệu trên thị trường. Theo đó, bao bì sản phẩm của công ty theo lộ trình cũng sẽ được thay đổi.
Mặt khác, doanh nghiệp phải chuyển mình, sáng tạo nên sản phẩm độc đáo mang thương hiệu, bản sắc Việt Nam để có giá trị gia tăng tốt hơn; để tự tạo chỗ đứng vững chắc cho mình trên thị trường toàn cầu. Câu chuyện từ Công ty CP Mỹ phẩm Sài Gòn là một điển hình.
“Việt Nam là đất nước được thiên nhiên ưu đãi dành cho lợi thế về khí hậu, thổ nhưỡng, địa hình đa dạng nên sở hữu hơn 5.000 loại nông sản, dược liệu quý. Tận dụng nguồn nguyên liệu này, công ty đã chế tạo ra những dòng sản phẩm chăm sóc sức khỏe hữu cơ như nước hoa, dầu tắm, dầu gội... không những cung ứng thị trường trong nước mà vươn rộng xuất khẩu nhiều thị trường khó tính trên toàn cầu, có giá trị gia tăng cao như: Hoa Kỳ, Ấn Độ, Trung Quốc, Nhật Bản… Độc đáo nhất là công ty đã tận dụng nhiều dược liệu quý chắt lọc từ vùng Đồng bằng sông Cửu Long để tạo ra dòng sản phẩm nước hoa mang thương hiệu Note of Mekong, tự tin cạnh tranh với các doanh nghiệp nước ngoài vốn có truyền thống sản xuất lâu đời dòng sản phẩm này. Và đây là hướng đi mà doanh nghiệp Việt cần hướng tới”, ông Vương Ngọc Dũng, Giám đốc Marketing Công ty CP Mỹ phẩm Sài Gòn, khẳng định.
Tương tự, với sản phẩm bún gạo kết hợp trái cây của Công ty TNHH Thực phẩm Duy Anh. Dù non trẻ nhưng sản phẩm của công ty này ngay lập tức được thị trường thế giới tiếp nhận bởi tính độc đáo rất riêng của Việt Nam. Thay vì đơn thuần là sản phẩm từ bún gạo, hàng Việt sẽ chịu sức ép cạnh tranh rất lớn từ sản phẩm cùng loại của các nước trong khu vực. Nhưng nếu tận dụng nguồn nguyên liệu trái cây dồi dào trong nước để cho ra sản phẩm bún dưa hấu, bún thanh long, bún ngũ cốc từ nhiều loại hạt và trái cây…, sản phẩm Việt không những không bị cạnh tranh mà còn mang nét đặc trưng riêng, đi sâu vào thị hiếu người tiêu dùng toàn cầu.
Nhận định chung của các chuyên gia kinh tế, sẽ không còn những thị trường dễ tính để doanh nghiệp có thể “thoải mái” đi vào. Gia công hoặc xuất khẩu nguyên liệu thô thì biên độ lợi nhuận hết sức hạn chế, thậm chí ngày càng mỏng. Thay vào đó, chỉ còn lại những thị trường mà ở đó doanh nhiệp phải thuyết phục khách hàng bằng “tiêu chuẩn an toàn, chất lượng độc đáo và ngoại hình bắt mắt”.
Việt Nam được đánh giá cao trong việc xây dựng, phát triển thương hiệu quốc gia và là thương hiệu quốc gia có tốc độ tăng trưởng giá trị nhanh nhất thế giới trong giai đoạn 2020-2023. Trong bảng đánh giá tốp thương hiệu quốc gia mạnh trên thế giới do Brand Finand công bố vào năm 2023 cho thấy, Việt Nam xếp vị trí thứ 33/121, đạt gần 500 tỷ USD, tăng gần 16% so với năm 2022 và có mức tăng đều qua các năm.
Tuy nhiên, nếu xét theo yếu tố thương hiệu doanh nghiệp gắn liền hàng hóa thì số lượng còn khá khiêm tốn và vấn đề này cần được cải thiện. Muốn làm được điều đó, ngoài việc xây dựng thương hiệu thì công tác bảo vệ thương hiệu trước hàng gian, hàng giả là vấn đề cần cơ quan chức năng bắt tay, đồng sức cùng doanh nghiệp để thực hiện.