Romania là một quốc gia dễ bị lũ lụt. Kể từ năm 2000, lũ lụt đã làm chết hơn 240 người ở quốc gia này. Chỉ riêng lũ lụt năm 2005 và 2006 đã ảnh hưởng đến hơn 1,5 triệu người, làm chết 93 người, thiệt hại ước tính hơn 2 tỷ EUR. Để quản lý rủi ro lũ lụt, Romania, với sự hỗ trợ của Ngân hàng Thế giới, đã xây dựng Kế hoạch quản lý rủi ro lũ lụt mới cho 11 lưu vực sông của nước này phù hợp với các yêu cầu của Liên minh châu Âu (EU).
Bản đồ này được cập nhật, đánh giá và đưa ra phương pháp luận sáng tạo để xác định, đánh giá và ưu tiên các biện pháp. Từ đó, giúp tăng cường năng lực chuẩn bị, ứng phó và phục hồi sau lũ lụt. Cách tiếp cận này cho phép ước tính tác động của lũ lụt đối với tài sản trong nước, cơ sở hạ tầng xã hội và cơ sở hạ tầng giao thông cũng như ước tính tổng thiệt hại theo giá trị tiền tệ. Sau khi xác định biện pháp khả thi, các cơ quan quản lý lưu vực sông của Romania đã phát triển các giải pháp toàn diện với biện pháp phòng ngừa và bảo vệ.
Đặc biệt, Romania sử dụng rừng và các giải pháp dựa trên thiên nhiên khác để quản lý rủi ro lũ lụt, chẳng hạn như lùi đê và tạo thêm không gian cho sông, mang lại nhiều lợi ích ngoài việc giảm rủi ro lũ lụt. Những lợi ích này có thể bao gồm bảo tồn đa dạng sinh học, tăng cường bổ sung nước ngầm... Hơn nữa, các giải pháp này giúp thích ứng với biến đổi khí hậu.
Là nước nổi tiếng thế giới về thuật “trị nước”, đất nước Hà Lan với địa hình thấp hơn mặt nước biển đã trở thành biểu tượng của phòng chống lũ lụt. Vào những năm 1990, Hà Lan đã trải qua mực nước cực kỳ cao và nhiều cư dân sống gần các con sông đã phải sơ tán. Điều này dẫn đến việc phát triển chương trình nhà nước “Room for the River” (tạm dịch: khơi thông sông ngòi), nhằm mục đích tái tạo tự nhiên các đoạn sông để ngăn ngừa lũ lụt.
Kế hoạch được tất cả các bên liên quan ủng hộ, dẫn đến sự phát triển của một khu vực thiên nhiên độc đáo rộng 400ha với đa dạng sinh học phong phú, bao gồm rừng ven sông, đầm lầy và đồng cỏ nhiều thảo mộc, đảm bảo an toàn lũ lụt cho cư dân và doanh nghiệp cùng với các cơ hội giải trí. Đường đi bộ và đạp xe, vườn trà, vườn cảnh quan và các tác phẩm nghệ thuật mang đến nhiều trải nghiệm cho cư dân và du khách.
Tại Áo, trong trận lũ vừa qua, ngoài hệ thống tàu điện ngầm bị gián đoạn hoạt động, các ngôi nhà tại ở thủ đô Vienna gần như không bị ảnh hưởng. Điều này có được nhờ chiến lược phòng chống lũ hiệu quả đã được xây dựng từ trước đó.
Nằm dọc sông Danube, Vienna đã hứng chịu nhiều đợt lũ lụt trong những năm qua. Hòn đảo nhân tạo đảo Danube và kênh kiểm soát lũ lụt New Danube đã được xây dựng vào thập niên 1970, trở thành trụ cột của hệ thống phòng chống ngập lụt của thành phố.
Lưu lượng lũ của sông Danube ở Vienna đạt mức khoảng 11.000m3/giây, nhưng Vienna tránh được thiệt hại nghiêm trọng nhờ hệ thống phòng chống lũ lụt này. Cả nước Áo cũng tăng cường phòng chống lũ. Quốc gia này đầu tư khoảng 67 triệu USD/năm cho các biện pháp bảo vệ trước lũ lụt và có hiệu quả đã giúp giảm thiệt hại.