Kinh doanh xăng dầu: Vì sao nhiều doanh nghiệp càng bán càng lỗ?

Thời gian gần đây, nhiều doanh nghiệp (DN) kinh doanh xăng dầu càng bán càng lỗ, thậm chí buộc phải sang nhượng hoặc đóng cửa. Hy vọng tình hình sẽ được cải thiện khi việc sửa đổi Nghị định kinh doanh xăng dầu đang được lấy ý kiến rộng rãi...

Hao hụt nhiều, bóp chiết khấu

Giám đốc một công ty quản lý chuỗi cửa hàng xăng dầu ở khu vực Tây Nguyên buồn rầu nói với phóng viên Báo SGGP, vừa cho thuê lại một số điểm bán, đồng thời đầu tư mua lại hơn 20ha vườn cây ăn trái, cà phê các loại để canh tác. Theo vị này, trước mắt làm nông nghiệp cho thu nhập tốt hơn hẳn so với kinh doanh xăng dầu.

Đây là tình trạng chung của nhiều DN bán lẻ xăng dầu khác: mức chiết khấu quá thấp nên không thiết tha với việc nhập hàng về bán. Để cầm cự được sau khi trừ chi phí (vận chuyển, trả lương nhân viên…), mức chiết khấu xăng dầu phải đạt khoảng 1.000 đồng/lít. Với mức chiết khấu 500-700 đồng/lít tùy thời điểm và diễn ra thời gian qua, DN phải bù lỗ. Bên cạnh đó, trong quá trình vận chuyển, mức chênh lệch nhiệt độ giữa các vùng cũng gây hao hụt đáng kể.

C1a.jpg
Nhân viên Cửa hàng Xăng dầu Petrolimex số 4 (đường Nguyễn Trãi, phường 2, quận 5) đổ xăng cho khách. Ảnh: HOÀNG HÙNG

Theo phân tích của một DN bán lẻ xăng dầu tại Sơn La, nhiệt độ vùng 1 thường cao 30-36°C, xe chở từ kho vùng 1 về tới vùng 2 cách trên 430km nhiệt độ “rớt” xuống chỉ còn 29-30°C khiến xăng hao hụt nhiều. Ước tính, nhiệt độ rớt xuống 1°C sẽ hao hụt khoảng 13 lít xăng/10m³. Nhập càng nhiều, hao hụt càng nhiều, chưa tính đưa xăng xuống bể chứa có nhiệt độ thấp, còn hao hụt nữa.

Bà Nguyễn Thị Sinh, Giám đốc Công ty xăng dầu Chiến Thắng (TP Yên Bái, tỉnh Yên Bái), chia sẻ, những người làm trong ngành xăng dầu rời bỏ nghề khá nhiều. DN bán lẻ chỉ đủ chi phí tối thiểu duy trì hoạt động (lương nhân viên, điện nước, văn phòng…), thậm chí nhiều DN phải bù lỗ.

Đối nghịch với tình cảnh này, bất chấp thực tế nhiều DN nhỏ lẻ làm ăn thua lỗ, một số “ông lớn” trong ngành xăng dầu vẫn có lợi nhuận ngàn tỷ. Điển hình, Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex) vừa có văn bản giải trình báo cáo tài chính sau soát xét 6 tháng năm 2024 lên Ủy ban Chứng khoán Nhà nước và Sở Giao dịch Chứng khoán TPHCM.

Theo đó, lợi nhuận sau thuế của công ty mẹ trong nửa năm nay đạt gần 1.530 tỷ đồng, tăng tới 135% so với cùng kỳ năm trước. Nguyên nhân, do hoạt động kinh doanh xăng dầu nửa đầu năm nay cơ bản ổn định, có hiệu quả và sản lượng bán tăng so với cùng kỳ năm trước.

Hỗ trợ DN bán lẻ hoạt động

Nhằm góp ý cho dự thảo Nghị định kinh doanh xăng dầu, các DN đưa ra nhiều kiến nghị về việc minh bạch thị trường, đảm bảo quyền lợi DN bán lẻ cũng như người tiêu dùng.

Về giá, ông Nguyễn Xuân Thắng, Giám đốc Công ty TNHH Hải Âu Phát (Lâm Đồng), cho rằng, giá cơ sở mới chỉ được xác định đến kho cảng nội địa và chưa hề tính đến giá trị chi phí, tồn trữ, lợi nhuận để lưu thông xăng dầu đến tay người tiêu dùng. Đó là chưa kể chi phí định mức và lợi nhuận định mức chỉ tính cho DN đầu mối (nhập khẩu và sản xuất xăng dầu). Do vậy, cần tính chi phí cho DN bán lẻ, trong đó, giá bán lẻ bằng giá bán buôn mức hai cộng với chi phí và lợi nhuận định mức tương ứng (không ít hơn giá trị đầu mối và phân phối được hưởng), giao cho DN bán lẻ hoặc đại lý quyết định giá bán.

C5C.jpg
Cửa hàng xăng dầu số 77 trên đường Nguyễn Oanh, quận Gò Vấp, TPHCM, treo biển tạm dừng hoạt động để sửa chữa, trưa 2-10. Ảnh: GIA HÂN

Tiếp đó, nhà nước cần rà soát và thu hồi giấy phép của các thương nhân đầu mối, thương nhân phân phối không đủ điều kiện, đồng thời cho phép toàn hệ thống được tự do mua bán. Đề nghị cơ quan quản lý nhà nước thanh tra, xử lý và công khai số lượng xăng dầu tăng sinh do hoạt động nhập khẩu cũng như chênh lệch nhiệt độ từ bán buôn nội địa của thương nhân đầu mối. Đó là cơ sở đảm bảo truy thu, thu đủ thuế cho nhà nước, ngăn chặn hành vi buôn lậu, trốn thuế.

“Vì là ngành kinh doanh có điều kiện, nhà nước cần có chính sách bảo hộ, đảm bảo để cửa hàng xăng dầu hoạt động hiệu quả thay vì mở ra nhiều. Điều đó sẽ tránh tạo điều kiện để các DN lớn thao túng, thâu tóm thị trường”, ông Hoàng Trung Dũng, nguyên Tổng Giám đốc Công ty CP Phát triển phụ gia và sản phẩm dầu mỏ (APP), đề xuất.

Ở góc nhìn khác, TS Giang Chấn Tây, Giám đốc Công ty TNHH MTV Bội Ngọc (kinh doanh xăng dầu, tỉnh Trà Vinh), cho rằng, các kiến nghị tâm huyết từ doanh nghiệp bán lẻ xăng dầu rất cần được các cơ quan chức năng tiếp thu, đảm bảo quyền lợi chính đáng của DN cũng như người tiêu dùng. Rất mong Bộ Công thương lắng nghe để có giải pháp đưa vào Nghị định kinh doanh xăng dầu, nhằm ổn định thị trường, tạo điều kiện cho DN bán lẻ phát triển lành mạnh, nhất là các DN nhỏ và vừa.

Chiều 2-10, Bộ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Hồng Diên đã chủ trì hội nghị trao đổi, thống nhất nhằm hoàn thiện Dự thảo Nghị định kinh doanh xăng dầu. Trong các văn bản quy phạm pháp luật, mặt hàng xăng dầu được xác định là mặt hàng kinh doanh chiến lược.

Vì vậy, những điều kiện nêu ra tại nghị định vừa đảm bảo được cơ chế thị trường, nhưng cũng đảm bảo cơ chế quản lý của nhà nước. Đây là lần thứ 4 Bộ Công thương lấy ý kiến của các bộ ngành theo 2 hình thức văn bản và ý kiến trực tiếp. Bộ Công thương cũng cam kết tiếp thu ý kiến đóng góp cũng như tuân thủ các chỉ đạo của Chính phủ, cố gắng thiết kế văn bản theo hướng thị trường nhiều nhất và quản lý nhà nước tốt nhất.

Tin cùng chuyên mục