Kinh doanh thuốc online phải đảm bảo yêu cầu cơ sở vật chất, con người và giấy phép

Ngày 19-10, tại Hà Nội đã diễn ra Hội thảo “Phát triển thị trường dược phẩm trong nước - Giải pháp từ chuyển đổi số”, do Báo Tuổi Trẻ phối hợp một số đơn vị chức năng tổ chức.

z5945534328329_e8103ec161b42f90628c8b72c9a28582.jpg
Ông Chu Đăng Trung phát biểu tại hội thảo

Theo nhà báo Lê Xuân Trung, Phó Tổng Biên tập Báo Tuổi Trẻ, hội thảo diễn ra trong bối cảnh Quốc hội đã và tiếp tục tiến hành thảo luận sửa đổi, bổ sung Luật Dược 2016, nhằm giải quyết căn cơ những bất cập trong quản lý ngành dược.

Trong đó, mục tiêu cao nhất là đảm bảo cung ứng thuốc an toàn, hiệu quả, giá cả hợp lý cho người dân; đồng thời ứng dụng hiệu quả công nghệ để quản lý thuốc, kinh doanh thuốc một cách khoa học, hiện đại.

Trong khi đó, ông Chu Đăng Trung, Trưởng Phòng pháp chế hội nhập Cục Quản lý Dược (Bộ Y tế) thông tin những điểm chính trong dự thảo sửa đổi bổ sung Luật Dược 2016 sẽ được Quốc hội xem xét tại kỳ họp tới đây.

Theo đó, trong dự thảo có 50 điều luật được sửa đổi nhằm thể chế toàn bộ các cơ chế chính sách đặc biệt liên quan tới ngành dược và đẩy mạnh phát triển công nghiệp dược; đa dạng hóa hệ thống và phương thức kinh doanh, phân phối thuốc, nguyên liệu làm thuốc; đơn giản hóa thủ tục hành chính về trình tự, thủ tục cấp giấy đăng ký lưu hành thuốc; tăng cường việc thừa nhận, công nhận nhằm tạo điều kiện thông thoáng, tăng tính chủ động cho doanh nghiệp.

Liên quan tới việc quản lý giá thuốc, ông Chu Đăng Trung cho biết, điểm nhấn của dự thảo lần này là quản lý chặt chẽ giá thuốc nhằm bình ổn thị trường thuốc theo quy định của Luật Giá 2023 và đảm bảo tính đặc thù của Luật Dược.

Theo đó, nguyên tắc quản lý giá thuốc phải đảm bảo theo cơ chế thị trường, tôn trọng quyền tự định giá, cạnh tranh về giá của tổ chức, cá nhân kinh doanh thuốc theo quy định pháp luật.

Đồng thời, bảo vệ quyền lợi hợp pháp của tổ chức, cá nhân kinh doanh, người tiêu dùng và Nhà nước. Trong dự thảo Luật Dược sửa đổi vẫn sẽ giữ nguyên quy định về "kê khai giá thuốc trước khi lưu hành", đổi thuật ngữ "kê khai giá" thành "công bố giá".

z5945533575821_141677020d374d309d55bea89cba2a19.jpg
Các đại biểu tham gia thảo luận về quản lý và cung ứng thuốc

Đại diện Cục Quản lý Dược cũng cho biết, hiện nay, Việt Nam là một trong những nước ASEAN quản lý giá thuốc tốt nhất, chỉ số tăng giá thuốc nằm trong nhóm thấp nhất các ngành.

Nguyên tắc quản lý giá thuốc phải tôn trọng quyền tự quyết của doanh nghiệp. Nhà nước chỉ can thiệp trong trường hợp các mặt hàng cần bình ổn giá hoặc trong thiên tai, dịch bệnh. Tuy nhiên, với sự phát triển của công nghệ, thương mại điện tử nhưng hiện nay lại chưa có quy định về mua bán thuốc online.

Do đó, trong dự thảo Luật Dược sửa đổi, bổ sung, Bộ Y tế đề xuất đưa vào quy định liên quan đến phương thức kinh doanh thương mại điện tử, đây là hình thức kinh doanh song song với bán hàng trực tiếp và phải tuân thủ những quy định nhất định.

Theo đó, doanh nghiệp kinh doanh thuốc online cũng phải đảm bảo các yêu cầu về cơ sở vật chất, con người và giấy phép đủ điều kiện kinh doanh về dược; đảm bảo thuốc có nguồn gốc xuất xứ, an toàn cho người dân và phải có nhân lực để hướng dẫn người dân sử dụng thuốc.

11.jpg
Kinh doanh thuốc online góp phần thúc đẩy phát triển ngành dược

Theo ông Nguyễn Hữu Trọng, Tổng thư ký Hội Tin học y tế Việt Nam, chúng ta hoàn toàn có thể triển khai việc bán thuốc online trên sàn thương mại điện tử hợp lệ, song vấn đề là quy trình ra sao, nhà cung cấp nào có thể được bán thuốc kê đơn trên đó.

"Thực tế, hiện nay luật chưa có quy định nhưng việc bán thuốc online vẫn đang diễn ra bằng các tên gọi khác nhau. Vậy chúng ta lo lắng điều gì? Vấn đề là khi đưa vào hoạt động chúng ta cần phải quản lý làm sao đơn thuốc đó hợp pháp, cơ sở bán thuốc đủ tiêu chuẩn và hợp pháp", ông Nguyễn Hữu Trọng nhận định.

Tin cùng chuyên mục