Công ty Truyền thông Trí Việt (TVM và TVM Comics) và Umezawa (công ty bản quyền tại Việt Nam của Nhật Bản) mới đây đã công bố chính thức kinh doanh bản quyền phim hoạt hình Nhật Bản cũng như bản quyền hình ảnh nhân vật tại Việt Nam.
Điều ngạc nhiên là những bộ phim hoạt hình nổi tiếng như: Doraemon, Thám tử Conan đã được phát sóng rộng rãi trên các kênh truyền hình ở Việt Nam, cũng như phát hành dưới dạng băng đĩa phim, sử dụng hình ảnh nhân vật trên các sản phẩm tiêu dùng, đồ chơi, văn hóa phẩm (trừ truyện tranh của NXB Kim Đồng)… Thì ra, lâu nay các hoạt động này đều vi phạm Luật Bản quyền...
Bắt đầu từ việc gọi đúng tên
Đô-rê-môn (Doremon) là tên gọi quen thuộc mà trẻ em Việt Nam dành cho chú mèo máy Nhật Bản, thông qua bộ truyện tranh quen thuộc Đô-rê-môn, do NXB Kim Đồng phát hành từ nhiều năm nay. Tuy nhiên, tên chính xác của nhân vật mèo máy này tại Nhật, cũng như nhiều quốc gia trên thế giới, gọi chung là Doraemon. Tên này xuất phát từ tên loại bánh truyền thống của Nhật là Dorayaki.
Tại buổi họp báo về bản quyền nhân vật, đại diện của phòng bản quyền cho biết, từ nay khán giả Việt Nam sẽ phải tập quen dần với việc gọi đúng tên của nhân vật là Doraemon. Thực ra, phía NXB Kim Đồng sau khi ký bản quyền khai thác truyện tranh Doraemon cũng đã thay đổi tên gọi đúng với tác phẩm, nhưng nhiều người không quen với tên gọi mới.
Sắp tới đây, chính thức phát sóng phim hoạt hình “Doraemon” trên HTV3, đơn vị phát hành đang mong sẽ làm được việc thay đổi thói quen của các bạn nhỏ Việt Nam.
Đồng thời, các phim hoạt hình được phát sóng sắp tới sẽ được lồng tiếng cho nhân vật thay vì thuyết minh. Thậm chí bộ phim “Thám tử Conan” không chỉ lồng tiếng mà còn làm phụ đề tiếng Việt. Đối tượng người lớn sẽ thích xem phim nguyên bản với phụ đề.
Một bộ phim hoạt hình nữa cũng xuất hiện trong đợt này là Bakugan. Đây là một trong những nhân vật hoạt hình thành công nhất trong năm 2008 với 3 giải thưởng lớn tại Mỹ, đặc biệt trong đó có giải “Property of The Year” (Đồ chơi hay nhất trong năm) dành cho các đồ chơi có nội dung dựa theo nhân vật. Các bộ phim này đều đã được TVM mua bản quyền và sẽ phát sóng trên HTV3 bắt đầu từ cuối tháng 11 này.
Kinh doanh bản quyền hình ảnh nhân vật
Có lẽ đây là lần đầu tiên khái niệm kinh doanh hình ảnh bản quyền nhân vật xuất hiện ở Việt Nam. Đảm nhận việc khai phá hình thức kinh doanh mới này là TVM Comics. Các nhân vật trong những bộ phim hoạt hình nổi tiếng của Nhật Bản giờ đây được khai thác hình ảnh ở nhiều lĩnh vực xuất bản, hàng tiêu dùng với hình ảnh nhân vật, điện ảnh, DVD và game online.
“Chúng tôi phải mất hơn cả năm để thuyết phục các công ty bản quyền tin tưởng TVM Comics sẽ quản lý tốt loại hình kinh doanh bản quyền này” – bà Yukari Nariki, chuyên gia về bản quyền hình ảnh nhân vật, đại diện của Umezawa cho biết.
Bà cũng giải thích thêm: “Có những bộ phim với những nhân vật nào đó, thay vì chỉ chiếu trên truyền hình, chúng tôi sẽ khai thác chính nhân vật đó, làm nhân vật xuất hiện ở mức tối đa, nhân vật càng được biết tới nhiều, càng được ưa chuộng thì sức hút càng mạnh đối với người tiêu dùng”.
Hạn chế vi phạm bản quyền
Trước tình trạng hành vi vi phạm bản quyền hình ảnh nhân vật đã quá phổ biến tại Việt Nam, hướng giải quyết của các công ty kinh doanh bản quyền sẽ là gì? Đại diện TVM trả lời: thực ra đó là lý do mà suốt 10 năm qua nhiều công ty của Việt Nam muốn mua bản quyền các nhân vật hoạt hình này từ Nhật Bản mà không được. Việt Nam bị đánh giá là một trong những quốc gia vi phạm bản quyền nhiều nhất trên thế giới.
Hướng giải quyết sắp tới của TVM là gửi công văn nhắc nhở những nơi vi phạm, sau đó nếu vẫn tiếp tục vi phạm, TVM sẽ hợp tác với các công ty phụ trách về bản quyền tại Nhật Bản và các cơ quan quản lý Nhà nước Việt Nam để xử lý theo đúng luật. “Nhưng chúng tôi cũng tin rằng, nếu có công văn nhắc nhở các đơn vị sẽ dừng lại, vì chẳng ai muốn phạm luật…” – vị đại diện này nói.
Một vấn đề nữa cũng được trao đổi xung quanh việc phát sóng các bộ phim hoạt hình Nhật Bản, đó là độ “chênh” trong văn hóa, thuần phong mỹ tục giữa hai nước.
Đại diện kênh truyền hình HTV3 cho biết: ngay cả phía Nhật Bản cũng rất kỹ lưỡng trong việc đồng ý cho phổ biến tác phẩm tại Việt Nam. Họ có những yêu cầu khắt khe về độ tuổi, chất giọng để lồng tiếng cho nhân vật, và họ cũng thống nhất cho phía Việt Nam được quyền biên tập, kiểm duyệt và cắt bớt những gì không phù hợp với văn hóa Việt…
HẠ CHINH