Thích nghi tình hình mới
“Ủa, là anh Mỹ bên Lửa Việt mà! Sao nay chạy xe làm shipper luôn rồi?”. Vừa chở hàng đến giao, nghe khách hỏi, anh Nguyễn Văn Mỹ, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Du lịch dã ngoại Lửa Việt, cười xòa: “Thật chứ đùa đâu! Tui làm shipper mấy tháng nay rồi”. Khi khách vẫn còn ngẩn ngơ không tin, anh chạy vù đi giao hàng cho một địa chỉ khác.
Từ tháng 8-2020 tới nay, anh Mỹ đã trở thành “shipper cao cấp” giao gạo, nước mắm chất lượng cao. Với chiếc xe Cup, anh chở có khi cả gần 150kg, khách ới là có hàng giao. Có khi anh cũng bị “boom hàng” như thường. Đây là công việc phụ bên cạnh công việc chính vẫn đang điều hành công ty du lịch. Anh kể: “Nhiều người làm shipper mắc cỡ. Có gì đâu! Người ta tưởng tôi khó đến mức phải chạy giao hàng nhưng thật ra không phải. Đó là cách tôi làm việc để nhân viên công ty thấy mình ở vị trí như vậy còn không ngại công việc vất vả như những người lao động nghèo ở thời dịch bệnh quét qua. Đây cũng là cách tôi cân bằng cuộc sống, có thêm ý tưởng kinh doanh trong điều kiện bình thường mới”.
Theo anh Mỹ, Lửa Việt trước dịch có 1 trụ sở làm việc chính và 7 chi nhánh ở TPHCM, Cần Thơ. “Do không biết dịch lúc nào mới hết, công ty đóng cửa phần lớn chi nhánh. Hồi xưa nhân viên ngồi đầy công ty nhưng bây giờ đâu có. Doanh nghiệp đóng cửa hàng loạt, số còn lại điêu đứng tìm cách tồn tại, các cửa hàng lớn, công ty tư vấn du học, các chợ lớn chủ yếu đón khách nước ngoài cũng èo uột nên việc chúng tôi đóng cửa chi nhánh là hợp lý. Tuy nhiên, tôi tin, ngành du lịch và các ngành kinh doanh khác không chết được. Kể cả chiến tranh, sóng thần thì sự sống vẫn hồi sinh đó thôi. Doanh nghiệp bây giờ không còn “khoái” nhà to, công trình bự… Đó là xu thế. Người ta tìm nhiều cách để kinh doanh, có thể lùi vào hẻm, lên lầu cao. Tình hình này cần mặt bằng lớn để làm gì? Theo tôi thì chỉ trừ một số công ty cần hình thức lớn mới cần bộ mặt để khuếch trương”, anh nói.
Cũng là một doanh nghiệp chịu không ít thử thách khi dịch “càn quét”, anh Trần Thanh Tùng, chủ thương hiệu cà phê Monkey In Black, cho biết, hiện nay chỉ còn duy nhất 1 tiệm cà phê. Anh nói, trong vòng 8 năm xây dựng 4 quán cà phê, hầu hết ở mặt tiền các đường Trần Quang Khải (quận 1), Lê Văn Sỹ (quận Phú Nhuận), Quang Trung (quận Gò Vấp), Sư Vạn Hạnh (quận 10)… Diễn tiến thị trường ngày càng khó khăn, sau dịch, anh còn đúng 1 quán. “Tôi thấy rõ nhu cầu ra đường, nhu cầu ăn uống tại một địa điểm của người dân giảm đi rất nhiều. Cứ mỗi lần bùng dịch, người ta lại càng thay đổi hành vi. Trong giai đoạn này, nhiều cửa hàng, công ty phá sản một phần do nhu cầu người dân thay đổi. Thật ra dịch khiến nhu cầu, hành vi mua sắm của khách hàng thay đổi, đã có những hành vi mới, nhu cầu mới… Chủ doanh nghiệp phải khám phá ra nhu cầu đó, tìm cách tiếp cận. Do đó, ngoài cà phê, tôi kinh doanh thêm 2 lĩnh vực mới, khá thành công. Ở trên Shopee và Lazada, lượt tìm kiếm các sản phẩm của tôi tăng mạnh”, anh Tùng thông tin.
Còn anh Nguyễn Trương Huy, 40 tuổi, chủ cửa hàng Hoa tươi Huy Thảo, cho hay, trước đây có 2 cửa hàng bán hoa tươi ở mặt tiền đường Lạc Long Quân (quận 11) và đường Hậu Giang (quận 6). Dịch, ế khách, từ tháng 6-2020, anh đóng bớt 1 tiệm mặt tiền. “Không có khách, không có đơn hàng, chúng tôi buộc phải nghĩ cách phát triển. Chúng tôi đầu tư trang web hoa tươi, chủ động kết nối khách hàng qua thương mại điện tử. Nhờ vậy, đến nay cửa hàng đã ổn định trở lại”, anh Huy cho biết.
Chuyển đổi số, kinh doanh online
“Giờ tới buổi trưa phần lớn chúng tôi chỉ muốn ngồi văn phòng, order vài suất cơm, một số món ăn… kiểu ngon, giá cả vừa phải, đặc biệt giao nhanh. Sự tiện lợi, nhanh chóng là điều mà chúng tôi ưng ý khi chọn các dịch vụ ăn uống, giao đồ ăn qua các ứng dụng”, chị Nguyễn Thị Thùy Trang (31 tuổi, nhân viên văn phòng, quận 10) chia sẻ.
“Cuộc thanh lọc” của dịch Covid-19 khiến hàng loạt công ty du lịch, cửa hàng ẩm thực, ăn uống đóng một thời gian dài, thậm chí một số chuỗi F&B (mô hình ăn uống theo chuỗi - PV) phải đóng bớt, sang nhượng cửa hàng. Thế nhưng, rõ ràng, sự thay đổi hiện nay của các doanh nghiệp, cửa hàng đang đi liền với cách chọn mua hàng của khách trên các ứng dụng giao hàng online. Những mô hình định phí, các công ty, cửa hàng trước đây ở mặt tiền lớn, chi phí mặt bằng thuê cao trong tình hình mới, đang buộc phải thay đổi. Ứng phó trước những tác động của dịch, nhiều doanh nghiệp đã thay đổi thói quen, nề nếp làm việc, đổi mới quản trị, tăng cường áp dụng công nghệ. Các cửa hàng ăn uống, mua sắm cũng tập trung vào thương mại điện tử.
Dù Covid-19 ảnh hưởng lớn, nhưng chỉ cần hồi phục một chút, người dân đã có nhu cầu đi du lịch, mảng ăn uống hồi phục. Nhiều thương hiệu do đó cũng đã tạo những “điểm chạm” trên các ứng dụng trải nghiệm cho khách. Pizza 4P’s, lẩu Haidilao, chuỗi cơm tấm đình đám Bụi Sài Gòn, Kiều Giang, Phúc Lộc Thọ, Cô Tấm, Pác Pa Phi… hiện đang sống tốt với các đơn hàng online. Hầu hết các thương hiệu này đều có mặt trên ứng dụng giao đồ ăn nhanh lẫn các website, fanpage, chưa kể luôn đầu tư hấp dẫn các chương trình ưu đãi online mời gọi khách hàng.
Anh Trần Thanh Tùng, chủ thương hiệu cà phê Monkey In Black, cho biết, hiện đang tập trung rất mạnh vào thương mại điện tử, cụ thể phân chia nhiều team (nhóm) làm việc như team marketing, team làm việc với các đơn vị làm về thương mại điện tử như NowFood, GrabFood, Baemin… “Trong 6 tháng qua, chúng tôi tăng 300% doanh số hàng tháng đến từ các kênh này. Mình cố gắng tinh giản hóa cửa hàng trên sàn thương mại điện tử, các ứng dụng là có thể bán được. Đây là lúc chạy nước rút, chiếm thị phần, sản phẩm phải nằm ở trong tâm thức mua hàng của khách”, anh Tùng nhấn mạnh.
Anh Nguyễn Thanh Liêm, quản lý Nhà hàng Sushi 88 (quận 7), cho rằng, bây giờ phải nghiên cứu thật kỹ mảng “take away” (mang đi). “Với tình hình dịch bệnh không lường trước được, chỉ có hướng “bán mang đi” là cách để tồn tại tốt. Buổi sáng và buổi trưa chúng tôi có thể thực hiện được việc đẩy mạnh kinh doanh online, bán mang đi, bởi chúng tôi có kinh doanh ăn sáng, cơm trưa văn phòng. Điều này nhằm duy trì cửa hàng, giúp nhân viên có thể sống được. Hiện tại, online chúng tôi có bán, doanh thu vẫn tốt so với những nhà hàng khác về sushi”. Còn theo anh Nguyễn Văn Mỹ, hiện nay, người ta yên tâm hơn vì TPHCM đối phó và khoanh vùng dịch rất tốt… Nhưng có lẽ, không ai biết dịch có thể “trở quẻ” lúc nào nên xu thế là thích nghi, tiết giảm chi phí, tối ưu hóa công việc, mở rộng một số lĩnh vực kinh doanh khác. Anh Mỹ nói: “Phải chú trọng mua bán online. Tuy vậy, kinh doanh online đừng ham, làm theo đám đông mà phải biết cách. Từ mặt tiền vô mặt hẻm nghĩa là cách tự thích nghi, chuyển đổi phù hợp. Từ dịch sẽ có bài học tiết giảm chi phí, biết tích cơ phòng thân, luôn có phương án dự phòng”.
Chuyển đổi sang mô hình kinh doanh online không chỉ là cách giúp doanh nghiệp, các cửa hàng tồn tại trong tình hình mới, mà còn là xu hướng tương lai của ngành bán lẻ. Thay đổi để thích ứng là điều doanh nghiệp lớn và nhỏ ở TPHCM đang thực hiện và mang lại hiệu quả bước đầu…
Theo ông Trương Thanh Hùng, Phó Chủ tịch Hội đồng cố vấn khởi nghiệp Đổi mới sáng tạo quốc gia, Giám đốc FiNNO Group, thích ứng nhanh để sống chung với trạng thái bình thường mới là những gì chúng ta cần làm ngay thời điểm này, chứ không phải ngồi xem tình hình thế nào hoặc mong đợi một ngày nào đó dịch Covid-19 kết thúc. Để thích ứng nhanh thì chuyển đổi tư duy là điều bắt buộc, hãy tùy thuận và cực kỳ linh hoạt về chiến lược. Chuyển đổi số không chỉ là xu hướng tất yếu theo quy luật vận hành của thị trường, mà nó chính là một trong những giải pháp tức thì ai cũng có thể làm được để thích ứng với đại dịch. |