Bất chấp quy định cấm
Ông H.T.T. (ngụ trong hẻm 8/2 Phạm Hùng) bức xúc: “Việc mua bán, giết mổ gà vịt ở hẻm 8/2 đã diễn ra công khai từ lâu và nay càng mở rộng quy mô hơn, bất chấp quy định cấm. Họ còn nuôi gia cầm ngay tại hẻm để bán và giết mổ như một quy trình khép kín. Tôi có viết thư gửi vào hòm thư điện tử của quận và nhiều lần gọi đến đường dây nóng của quận để phản ánh việc này, nhưng đến nay vẫn không được hồi đáp”.
Phóng viên đã đến hẻm 8/2 Phạm Hùng và chứng kiến sự việc đúng như thông tin phản ánh của người dân. Hẻm này được gọi là “hẻm mổ gia cầm”, tuy chỉ dài khoảng 200m, rộng 2 - 3m, nhưng có 4 -5 điểm buôn bán, bày lồng giỏ nhốt cả trăm con gà, vịt, bồ câu… và giết mổ ngay tại chỗ.
Nước thải, máu, phân tràn xuống các khe rãnh và tràn đầy mặt hẻm, bốc mùi hôi tanh. Các điểm giết mổ hoạt động từ 6 giờ đến hơn 20 giờ mỗi ngày. Lúc chúng tôi đến, thấy có người lạ đứng hơi lâu, một số người mua bán cảnh giác, quan sát chúng tôi rất kỹ.
Bà H., cư dân sống trong hẻm, cho biết: “Cảnh mua bán giết mổ này gần chục năm nay rồi. Ngày nào họ cũng giết mổ giữa hẻm. Chúng tôi phải chịu đựng mùi hôi và tiếng ồn ào của gia cầm, tiếng người mua kẻ bán ì xèo. Việc giết mổ tràn lan như vậy vừa không đảm bảo vệ sinh, lại gây cản trở đi lại trong hẻm. Hồi trước người dân chịu không được có góp ý, rồi sau thấy những người mua bán quá hầm hố, xăm trổ hung dữ không tiếp thu, lại còn đe dọa, nên chỉ biết làm thinh chịu đựng”.
Không chỉ bên trong, ngay đầu hẻm ra vào, phía trước hồ bơi Hòa Bình, còn xuất hiện 3 - 4 điểm bán gia cầm trên vỉa hè, tràn xuống cả góc đường. Vào giờ cao điểm, tình trạng này gây cản trở giao thông qua lại trên đường Phạm Hùng.
Không xử lý dứt điểm
Nghị định 123/2018/NĐ-CP của Chính phủ sửa đổi một số nghị định quy định về điều kiện đầu tư, kinh doanh trong lĩnh vực nông nghiệp, có hiệu lực từ ngày 17-9-2018, quy định: “Cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm phải có khoảng cách an toàn với khu dân cư, trường học, bệnh viện, nơi thường xuyên tập trung đông người, quốc lộ, sông suối, nguồn cung cấp nước sinh hoạt, trại chăn nuôi, chợ buôn bán gia súc gia cầm và các nguồn gây ô nhiễm. Khi hoạt động phải đáp ứng các yêu cầu về điều kiện vệ sinh thú y, an toàn dịch bệnh động vật và bảo đảm an toàn thực phẩm theo quy định của pháp luật. Chủ cơ sở, người trực tiếp giết mổ, sơ chế phải có giấy xác nhận kiến thức an toàn thực phẩm và đáp ứng yêu cầu về sức khỏe”. Vậy tại sao các điểm giết mổ gia cầm trái phép tại đây vẫn ung dung hoạt động?
Trả lời phóng viên về việc này, ông Lê Hồng Quân, Phó Chủ tịch UBND phường 4, phân trần: “Địa phương chưa thể dẹp triệt để vì con hẻm là ranh giới giữa phường 4 (quận 8) và xã Bình Hưng (huyện Bình Chánh) nên khó xử lý. Ở phạm vi UBND phường, chúng tôi thường xuyên ra quân kiểm tra, xử lý. Tuy nhiên, những hộ kinh doanh này luôn cố tình đối phó, có người canh chừng. Khi phát hiện lực lượng chức năng, họ ôm lồng hoặc xâu gà vịt chạy vào các hẻm của địa phương khác. Phường có vận động các hộ này chuyển đổi ngành nghề; tuy nhiên, trước mặt chính quyền, họ ký kiên bản và đồng ý, nhưng được vài ngày lại cố tình mua bán chiếm dụng hẻm như cũ. Có những hộ thuộc phường khác, nên không mời lên làm việc được. Để xử lý tình trạng buôn bán, giết mổ tràn lan trong hẻm như hiện nay, sắp tới phường 4 sẽ kết hợp với phường Bình Hưng (huyện Bình Chánh) và có thể thêm phường 5 (quận 8) để tiến tới lập chốt ở đó luôn. Nếu các đơn vị cùng nhau phối hợp xử lý triệt để mới ngăn chặn được tình trạng này”.