Giao dịch tín chỉ carbon là một phần trong các chính sách định giá carbon rộng lớn hơn của Indonesia thông qua các công cụ phi thương mại như đánh thuế carbon và cung cấp các khoản tài trợ để các thực thể cắt giảm lượng khí thải carbon. Theo ông Jeffrey Hendrik, Giám đốc Phát triển kinh doanh IDX, Chính phủ Indonesia đã công nhận vai trò quan trọng của ngành dịch vụ tài chính trong việc tăng cường các cam kết bền vững của đất nước. Mối quan hệ đối tác chiến lược với MVGX được kỳ vọng giúp IDX xây dựng cơ sở hạ tầng và hệ sinh thái giao dịch carbon mạnh mẽ, làm nền tảng cho kế hoạch phát triển hệ sinh thái tài chính bền vững của quốc gia.
Thời gian gần đây, Chính phủ Indonesia công bố khá nhiều chương trình bảo vệ môi trường như thử nghiệm lưu trữ carbon dưới lòng đất, triển khai chương trình “di chuyển xanh” (trong đó có ô tô điện)… với mục tiêu đạt mức phát thải ròng bằng 0 vào năm 2060 và giảm lượng khí thải khoảng 32% vào năm 2030. Ngoài ra, Indonesia nhìn nhận quá trình chuyển đổi giảm lượng phát thải carbon là cơ hội cho các doanh nghiệp nhà nước và cũng là cơ hội để cải thiện an ninh năng lượng, sự độc lập về năng lượng của Indonesia. Trong ngắn hạn, quá trình chuyển đổi sẽ được đẩy nhanh nhằm ứng phó với khủng hoảng năng lượng do tác động của cuộc xung đột tại Ukraine.
Để đạt được kế hoạch đề ra, các doanh nghiệp nhà nước phải có khả năng phát triển một danh mục các sáng kiến như một hệ sinh thái của doanh nhiệp nhà nước, góp phần thúc đẩy chương trình Đóng góp mục tiêu quốc gia. Từ năm 2021, Bộ Doanh nghiệp nhà nước Indonesia đã xác định hàng năm phải có chỉ tiêu cụ thể về hiệu quả hoạt động đạt được trong mục tiêu giảm phát thải. Trên cơ sở đó, các đơn vị chức năng sẽ tiếp tục lên các chương trình, kế hoạch hoạt động trong tương lai để xây dựng mục tiêu kinh doanh đi đôi với mục tiêu bảo vệ môi trường.