Theo Tổ chức Người tiêu dùng quốc tế, có 66% NTD sẵn sàng chi trả nhiều hơn để có thể mua được sản phẩm, dịch vụ bền vững. Tuy nhiên, 37% NTD không biết cách giải quyết những vấn đề môi trường, biến đổi khí hậu và hơn 50% cảm thấy không có đủ hỗ trợ từ chính phủ và doanh nghiệp. Trong khi đó, nghiên cứu về sản xuất và tiêu dùng bền vững của Liên hiệp quốc cho thấy, mọi hoạt động liên quan đến sản xuất và tiêu dùng đều ảnh hưởng tới môi trường và nền kinh tế - xã hội.
Tại Việt Nam, xu hướng tiêu dùng bền vững đã được Chính phủ và nhiều tổ chức quan tâm, tổ chức thực hiện nhiều hoạt động nhằm kêu gọi người dân tham gia hưởng ứng. Trong bối cảnh dịch bệnh gây nhiều khó khăn cho hoạt động sản xuất, kinh doanh thì giải pháp giúp doanh nghiệp vượt khó chính là kinh doanh có trách nhiệm, đảm bảo quyền lợi NTD.
Những năm gần đây, phần lớn doanh nghiệp sản xuất, phân phối đều chú trọng những biện pháp, cách thức đảm bảo quyền lợi của khách hàng. Đơn cử như nhà bán lẻ Saigon Co.op trong mấy năm trở lại đây liên tục đạt doanh thu cao, năm 2017 và 2018, lần lượt đạt trên 17.600 tỷ đồng và 20.590 tỷ đồng; năm 2019 đạt 35.000 tỷ đồng. Riêng năm 2020 dù dịch bệnh nhiều khó khăn nhưng theo tiết lộ của ông Nguyễn Anh Đức, Tổng giám đốc Saigon Co.op, nhà bán lẻ này vẫn đạt được kế hoạch đã đề ra là tăng trưởng hơn năm 2019. Theo Saigon Co.op, để đạt được hiệu quả kinh doanh, bên cạnh yếu tố chất lượng thì Saigon Co.op còn quan tâm chọn lọc hàng hóa theo thị hiếu NTD. Định kỳ 3-6 tháng, Saigon Co.op sẽ thẩm định xem hàng nào bán không tốt, để đưa ra khỏi kệ hàng nhường chỗ cho hàng hóa mới vào.
Gần đây nhất, Saigon Co.op đã áp dụng bộ tiêu chuẩn kỹ thuật mới dành riêng cho nhóm hàng thực phẩm tươi sống kinh doanh tại siêu thị. Theo đó, các chỉ tiêu an toàn và độ tươi ngon của các loại sản phẩm rau củ quả, thủy hải sản, trái cây đều được nâng cao theo chuẩn tiệm cận tiêu chuẩn xuất khẩu.
Bộ tiêu chuẩn mới của Saigon Co.op cũng chuẩn hóa quy cách đóng gói và ghi nhãn sản phẩm giúp việc bảo quản trong quá trình xếp dỡ, kiểm soát nguồn gốc sản phẩm chặt chẽ hơn. Đáng chú ý trong bộ tiêu chuẩn mới của Saigon Co.op lần này là tiêu chí kiểm tra độ trưởng thành của sản phẩm. Tiêu chí này vừa đảm bảo chất lượng và độ ngon của sản phẩm, vừa hạn chế tối đa việc sản phẩm bị thu hoạch non hay dùng thuốc tăng trưởng. Thông thường, đây là chỉ tiêu chỉ được áp dụng với các sản phẩm xuất khẩu nhưng từ nay sẽ được áp dụng tại toàn bộ hệ thống bán lẻ Co.opmart, Co.opXtra, Co.op Food… trên cả nước. Nhờ kinh doanh có trách nhiệm mà dịp Tết Nguyên đán vừa qua dù dịch bệnh phức tạp, song hệ thống này vẫn đạt doanh số 1.000 tỷ đồng/tuần.
Đối với doanh nghiệp sản xuất, những đơn vị như Vissan, San Hà, Ba Huân, Vinamilk… đã kiểm soát chặt từ khâu nguyên liệu đầu vào cho tới chế biến và thành phẩm. Vissan nhiều năm nay luôn đặt yếu tố về chất lượng, giá cả phải chăng lên hàng đầu để phục vụ NTD. Doanh nghiệp này cũng liên tục đa dạng hóa mặt hàng bằng việc cho ra đời nhiều sản phẩm mới. Trước sự cạnh tranh ngày càng gay gắt của thị trường thì việc đặt quyền NTD lên hàng đầu luôn được lãnh đạo Vissan quan tâm. Theo ông Nguyễn Ngọc An, Tổng giám đốc Công ty Vissan, để làm được điều này, Vissan sẽ hoàn thiện và đưa vào hoạt động cụm công nghiệp chế biến thực phẩm với quy mô lớn tại huyện Bến Lức, tỉnh Long An; tiếp tục phát triển kênh phân phối, xây dựng vùng chăn nuôi gia súc chất lượng cao, truy xuất được nguồn gốc; tăng cường kiểm soát vệ sinh an toàn thực phẩm cho toàn bộ sản phẩm của công ty; đồng thời xây dựng và hoàn thiện chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn bền vững “từ trang trại tới bàn ăn”…
Theo đánh giá của Bộ Công thương, chính những sự chủ động này của doanh nghiệp đã phần nào giảm bớt được sản phẩm không đạt chất lượng, giúp NTD được bảo vệ ngày một tốt hơn. Từ đó giúp doanh nghiệp tạo dựng được thương hiệu, tạo chỗ đứng vứng chắc hơn trên thị trường và doanh thu, lợi nhuận cũng từ đó cải thiện.