Nô lệ hiện đại vẫn là một thách thức lớn mang tính toàn cầu với khoảng 40,3 triệu nạn nhân (thống kê của năm 2016). Khoảng 25 triệu người là nạn nhân của lao động cưỡng bức, nhiều nhất ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương. Hơn một nửa số nạn nhân được tìm thấy làm việc cho các công ty tư nhân ở hầu hết các lĩnh vực. Hội thảo đã đánh giá các khung pháp lý, giải pháp thực tiễn để thúc đẩy các nguyên tắc kinh doanh có trách nhiệm và quan hệ lao động có đạo đức. Điều này không chỉ góp phần ngăn chặn và xóa bỏ chế độ nô lệ hiện đại trong chuỗi cung ứng mà còn cung cấp một định hướng phát triển kinh doanh bền vững ở Việt Nam.
Nhu cầu của người tiêu dùng ở châu Á đối với các sản phẩm từ các nguồn cung ứng có trách nhiệm đã tăng lên nhanh chóng trong những năm gần đây. Vì thế, rất nhiều công ty đã có những chính sách nội bộ mạnh mẽ nhằm giải quyết các vấn đề về lao động và nhân quyền.
Đại sứ Anh tại Việt Nam Giles Lever khẳng định: “Ngăn chặn hành vi tuyển dụng và sử dụng lao động thiếu đạo đức không còn là một sự lựa chọn mà là trách nhiệm xã hội bắt buộc của doanh nghiệp. Đây là một yêu cầu thiết yếu đối với tất cả các thương hiệu toàn cầu”.