Bán lẻ thích ứng nhanh
Trong số các lĩnh vực dịch vụ của TPHCM đến nay, chỉ có bán lẻ có mức tăng trưởng dương. Trong báo cáo 8 tháng đầu năm nay của Sở Công thương TPHCM cho thấy, doanh thu bán lẻ hàng hóa 8 tháng đầu năm 2020 đạt 530.246 tỷ đồng, tăng 8,3% so cùng kỳ năm 2019.
Sở dĩ bán lẻ tăng trưởng dương trong khi nhiều ngành khác ghi nhận mức sụt giảm được Sở Công thương TPHCM nhận định là do sự chủ động và thích ứng nhanh của các đơn vị bán lẻ. Theo đó, các hệ thống phân phối hiện đại tại thành phố đã triển khai hàng loạt chương trình khuyến mại, đồng thời kích cầu mua bán hàng hóa qua các kênh như điện thoại, đặt hàng qua website, apps và hỗ trợ các chính sách giao hàng. Sự thay đổi kịp thời về phương thức bán hàng đã góp phần giúp các doanh nghiệp (DN) cải thiện được doanh thu, tạo hiệu ứng tốt cho thị trường bán lẻ, góp phần cải thiện doanh số, kéo người tiêu dùng trở lại. Những DN tiên phong, đi đầu trong các hoạt động trên trong suốt thời gian qua phải kể tới như Liên hiệp Hợp tác xã Thương mại TPHCM (Saigon Co.op), Vincom, Big C, Lotte Mart…
Theo đánh giá của Sở Công thương TPHCM, Covid-19 diễn biến phức tạp, thị trường trong nước tiếp tục giữ vai trò là động lực sản xuất đối với các doanh nghiệp trên địa bàn. Sở cũng dự báo doanh thu bán lẻ hàng hóa cả năm 2020 sẽ tăng trưởng 10% - 10,5% so với năm 2019. |
Nhà bán lẻ Saigon Co.op đã có những bước đi chiến lược ngay từ đầu năm 2020. Ông Đỗ Quốc Huy, Giám đốc Marketing Saigon Co.op cho biết, nhà bán lẻ này đã chủ động chuẩn bị các giải pháp vừa tăng cường phòng chống dịch hiệu quả vừa chuẩn bị tốt nguồn hàng thay thế các nhóm hàng bị suy giảm mạnh, tập trung vào các nhóm hàng đáp ứng nhu cầu phòng chống dịch, đồng thời cũng chia sẻ khó khăn với các nhà cung cấp, đối tác bị ảnh hưởng. Thích ứng với xu hướng mua sắm trong mùa dịch, Saigon Co.op đã nhanh chóng chuyển hướng bán hàng qua điện thoại và gặt hái kết quả khả quan với doanh số bán ra từ dịch vụ này có tháng cao gấp 10 lần so với trước.
Đáng chú ý, trong tháng 4-2020 Saigon Co.op đã tiên phong cho ra mắt tính năng mới của ứng dụng trên di động (app Saigon Co.op) có tên “Bước càng nhiều tiết kiệm càng nhiều”. Theo đó, cứ mỗi 3.000 bước chân được đếm trên app Saigon Co.op, khách hàng sẽ được tặng một e-voucher ngay trên ứng dụng để có thể mua hàng của chương trình siêu ưu đãi. Tính năng đếm bước chân để tặng quà này đã được các bà nội trợ, khách hàng thành viên của Saigon Co.op tích cực hưởng ứng và đánh giá cao.
Ngoài các chuyển hướng trên, Saigon Co.op cùng các nhà bán lẻ khác trên địa bàn thành phố còn liên tục thực hiện các chương trình giảm giá kích cầu để chia sẻ với người tiêu dùng. Gần đây nhất, các nhà bán lẻ đã đồng loạt thực hiện giảm giá xuyên suốt tháng 8-2020 với mặt hàng trọng tâm là nhu yếu phẩm phục vụ sinh hoạt hàng ngày cùng hàng ngàn sản phẩm phục vụ mùa khai trường cho học sinh, sinh viên. Qua các chương trình này đã kích thích mua sắm cho người tiêu dùng, tăng doanh thu đáng kể cho nhà bán lẻ, tăng sản xuất cho DN trong bối cảnh thị trường xuất khẩu còn khó khăn.
Nhà sản xuất vào cuộc sớm
Bên cạnh các nhà bán lẻ, nhiều nhà sản xuất cũng triển khai các hoạt động khuyến mãi đa dạng để kích cầu, ổn định sản xuất, giảm lượng hàng tồn kho. Có thể kể như Công ty Vissan ngoài giảm giá sản phẩm ở các kênh siêu thị còn thực hiện giảm giá thịt heo, thực phẩm chế biến tại những điểm phân phối. Theo đại diện của Vissan, ngoài các chương trình khuyến mãi với giá cả hấp dẫn, Vissan cam kết cung cấp đến người tiêu dùng sản phẩm thịt heo đạt tiêu chuẩn VietGAP, nguồn heo được tiếp nhận giết mổ trên dây chuyền công nghiệp có sự kiểm soát chặt chẽ bởi cơ quan thú y độc lập, truy xuất nguồn gốc theo chương trình TE-FOOD của thành phố.
Cũng như Vissan, Công ty Ba Huân đã có một số chương trình giảm giá tới 30% cho các sản phẩm trứng gà tươi, trứng vịt, xúc xích… để chia sẻ áp lực chi tiêu với khách hàng. Các DN này còn cho ra mắt những sản phẩm mới với tiêu chí cung cấp nhiều dinh dưỡng, đảm bảo an toàn cho sức khỏe và người tiêu dùng hưởng ứng.
Cùng với sự tích cực của DN, giám đốc một siêu thị tại quận Gò Vấp cho rằng, Chính phủ cần trấn an tâm lý người dân, cảnh giác dịch nhưng không lo sợ thái quá. Ngoài ra, các cơ quan chức năng cần có những chương trình kích cầu thường xuyên hơn (như chương trình “Tháng khuyến mãi quốc gia 2020” của Bộ Công Thương hay “Chương trình 60 ngày vàng” của Sở Công Thương TPHCM vừa qua). Bên cạnh đó là hỗ trợ các DN để hạn chế việc cắt giảm lao động. Có như vậy mới thúc đẩy kích cầu tiêu dùng, hỗ trợ lại cho bán lẻ.