“King Henry” đã thực sự là vua

1

1-Bây giờ, King Henry đã thực sự là vua. Cái biệt danh mà ủng hộ viên Highbury trìu mến đặt cho anh đã thực sự trọn vẹn ý nghĩa khi Henry ghi cả 2 bàn trong trận thắng 2-0 trên sân Sparta Prague, vượt qua kỷ lục 185 bàn thắng mà Ian Wright từng lập ra từ tháng 9-1991 đến tháng 7-1998. Với 186 bàn thắng, King Henry đã trở thành tay săn bàn số một của Arsenal và sẽ tiếp tục là số một trong rất nhiều năm nữa.

Những thành tựu đi vào lịch sử thường ra đời đột ngột như thế. Trận Champions League đêm 18-10 trên sân Sparta Prague là trận đầu tiên của Henry sau 6 tuần nghỉ thi đấu vì chấn thương vòm háng, và là trận đấu mà Henry bắt đầu từ hàng ghế dự bị.

“King Henry” đã thực sự là vua ảnh 1

Thierry Henry vui mừng với bàn thắng đầu tiên.

HLV Wenger dự định chỉ đưa Henry vào cuộc ở 30 phút chót. Chỉ vì Antonio Reyes sớm bị chấn thương, Henry mới vào thay ở phút thứ 15. Vậy là chỉ 6 phút sau, Henry đã mở được tỷ số và sang hiệp hai, đến phút thứ 74, anh tiếp tục ghi một bàn nữa để ấn định chiến thắng. “Phá được kỷ lục của Ian Wright, điều đó thật tuyệt vời”, Henry nói, “Tôi đã muốn làm điều đó trên sân Highbury chứ không phải Prague, nhưng thôi, nếu có cơ hội ghi bàn thì cứ ghi bàn”.

Trước đây, huyền thoại Ian Wright mất gần 7 năm để ghi 185 bàn cho Arsenal. Henry chỉ mất 6 năm 2 tháng để phá kỷ lục đó. Đối với HLV Wenger, kỷ lục mới của Henry phi thường là vì vậy.

Hơn thế nữa, theo Wenger, kỷ lục của Henry còn giá trị ở chỗ Henry không chỉ là một tiền đạo chỉ biết “ẩn nấp” trong vòng cấm địa (Wenger đang chế giễu Van Nistelrooy chăng?). Ông nêu: “Henry là một cầu thủ toàn diện. Thật khó giải thích vì sao một anh chàng không quan tâm duy nhất đến chuyện ghi bàn mà lại ghi được nhiều bàn thắng đến thế”.

2- Đây có phải là sự…rẻ rúng công trạng của Ian Wright hay không? Hoàn toàn không. Henry lập kỷ lục mới không có nghĩa thành tích cũ của Ian Wright là…đồ bỏ. Bóng đá mỗi thời mỗi khác. Trong mỗi thời của nó, mỗi kỷ lục đều tuyệt vời.

Thời của Ian Wright, đẳng cấp hàng tiền vệ Arsenal kém xa và đương nhiên lối chơi của Arsenal khác xa bây giờ. Thời ấy, lối chơi của Arsenal bị chê là kém hứng thú vì quá thiên về phòng thủ và hầu như chỉ biết sử dụng những quả chuyền dài vượt tuyến cho Ian Wright.

Khả năng đánh bại các hàng phòng thủ của Ian Wright khi phản công là thứ vũ khí chủ yếu – và gần như là duy nhất – của Arsenal. Nhưng Ian Wright hiếm khi khiến họ thất vọng. Cái duyên ghi bàn của Ian Wright giúp anh nổi bật lên. Khi bóng rót vào vòng cấm địa đội bạn, anh đã có mặt từ lúc nào, đưa bóng vào lưới và chạy về với gương mặt rạng rỡ.

Thời của Thierry Henry, Wenger đã tạo ra được một hàng tiền vệ nghệ sĩ, phối hợp hài hòa, chuyền bóng ăn ý, thi đấu đẹp mắt và tấn công sinh động. Điều đó giúp lối chơi của Arsenal phong phú hơn và đương nhiên cũng tạo điều kiện cho các tiền đạo Arsenal thi đấu dễ dàng hơn, ghi bàn đa dạng hơn.

Henry có tốc độ, con mắt đọc trận đấu và khả năng kéo dãn hàng hậu vệ ra hai biên để rồi nhanh chóng đột phá vào trong và đưa bóng vào lưới với độ chính xác của một xạ thủ. Anh đã ghi một bàn như thế trên sân Prague – một cú sút xoáy với quỹ đạo uốn cong – bằng một sự thuần thục như thể đã biến mọi cái phức tạp trở nên đơn giản.

Nếu đặt Henry vào đội hình Arsenal thời trước, liệu anh có ghi được 185 bàn như Ian Wright hay không? Ngược lại, nếu đặt Ian Wright vào đội hình Arsenal hiện tại, liệu anh có ghi được 186 bàn như Thierry Henry hay không? Có một người đưa ra câu trả lời: Đừng nên so sánh.

3-Đó là tiền đạo kỳ cựu Bergkamp, 10 năm khoác áo Arsenal và đương nhiên từng đá cặp với Ian Wright rồi Henry. Anh nói: “Lúc còn đá chung với Ian Wright, tôi không nghĩ là sẽ gặp một người khác giống như anh ấy, tôi cũng không nghĩ là kỷ lục của anh ấy sẽ bị phá vỡ. Phải có một cầu thủ thật phi thường mới làm nổi điều đó. Chúng tôi đã có một người như thế.

Henry là một cầu thủ toàn diện, làm được những điều đáng kinh ngạc. Ian Wright là một tiền đạo chuyên săn bàn và đã ghi bàn trong các tình huống mà chính tôi cũng thấy là không thể được. Nhưng so sánh họ với nhau rất khó. Tôi chỉ có thể nói rằng rất may được thi đấu chung với cả hai”. Có lẽ đó cũng là cảm nghĩ chung của giới mộ điệu Arsenal trong lúc này. Họ đã may mắn có được Ian Wright. Họ cũng đang may mắn có được Thierry Henry.

Henry lại nói: “Ở Arsenal, Ian Wright là một cầu thủ huyền thoại và sẽ mãi mãi là một huyền thoại”. Ai, và đến khi nào, sẽ lại nói về King Henry như thế?  

Hưng Nguyên (tổng hợp)

Tin cùng chuyên mục