Trong đó, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa vào thị trường Hoa Kỳ đạt 37,6 tỷ USD, tăng 49,8% so với cùng kỳ năm trước; tiếp đến là thị trường Trung Quốc đạt 20,1 tỷ USD, tăng 26%; thị trường châu Âu đạt 16,1 tỷ USD, tăng 20,8%; và thị trường ASEAN đạt 11,5 tỷ USD, tăng 23,7%...
Cả nước cũng ghi nhận có 22 mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD, chiếm 87,3% tổng kim ngạch xuất khẩu. Đặc biệt, có 6 mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu trên 5 tỷ USD, chiếm 63,8%. Cũng trong 5 tháng đầu năm, 2 nhóm hàng là nông sản, lâm sản và thủy sản cũng ghi nhận mức tăng rất tích cực, lần lượt đạt 9,69 tỷ USD, tăng 13,5% và 3,24 tỷ USD, tăng 12%.
Cùng ngày, Tổng cục Thống kê cho biết, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 5-2021 chỉ tăng 0,16% so với tháng trước. Như vậy, bình quân trong 5 tháng qua, CPI chỉ tăng 1,29%, thấp nhất kể từ năm 2016. Đây được coi là một thuận lợi cho công tác chỉ đạo, điều hành giá cả năm 2021 (chỉ tiêu là 4%). Lạm phát cơ bản tháng 5-2021 tăng 0,15% so với tháng trước và tăng 1,13% so với cùng kỳ năm trước.
Lạm phát cơ bản bình quân 5 tháng đầu năm nay tăng 0,82% so với cùng kỳ năm 2020, cũng là điều kiện để công tác điều hành chính sách tiền tệ không có biến động lớn. Trong mức tăng 0,16% của CPI tháng 5-2021 so với tháng trước, có 8 nhóm hàng hóa và dịch vụ có chỉ số giá tăng và 3 nhóm hàng có chỉ số giá giảm.
Vẫn theo cơ quan thống kê quốc gia, sản xuất công nghiệp tháng 5-2021 ước tính tăng 1,6% so với tháng trước và tăng 11,6% so với cùng kỳ năm trước, mặc dù dịch Covid-19 diễn biến phức tạp từ cuối tháng 4 và ảnh hưởng trực tiếp đến một số khu công nghiệp tại tỉnh Bắc Giang, Bắc Ninh. Tính chung 5 tháng đầu năm 2021, chỉ số sản xuất công nghiệp tăng 9,9% so với cùng kỳ năm trước, trong đó ngành chế biến, chế tạo tăng 12,6%. Một số sản phẩm công nghiệp chủ yếu 5 tháng đầu năm 2021 tăng cao so với cùng kỳ năm trước là thép cán; ô tô; linh kiện điện thoại, điện thoại di động; sắt, thép thô…
* Ngày 29-5, thông tin từ Bộ KH-ĐT cho biết, trong 5 tháng đầu năm 2021, tổng vốn đầu tư của Việt Nam ra nước ngoài bao gồm vốn cấp mới và tăng thêm đạt 546,7 triệu USD, tăng hơn 3 lần so với cùng kỳ năm trước. Cụ thể, có 21 dự án được cấp mới giấy chứng nhận đầu tư với tổng số vốn đầu tư của phía Việt Nam là 143,5 triệu USD và 9 lượt dự án điều chỉnh vốn với số vốn tăng thêm đạt 403,2 triệu USD.
Ở chiều ngược lại, tổng vốn đầu tư nước ngoài vào Việt Nam ghi nhận đến hết tháng 5-2021 là 14 tỷ USD, tăng 0,8% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó có 613 dự án được cấp phép mới với số vốn đăng ký đạt 8,83 tỷ USD, giảm 49,4% về số dự án và tăng 18,6% về số vốn đăng ký; 342 lượt dự án đã cấp phép từ các năm trước đăng ký điều chỉnh vốn đầu tư với số vốn tăng thêm đạt 3,86 tỷ USD, tăng 11,7%.