Kim ngạch xuất khẩu tăng trưởng tích cực: Điểm sáng cho doanh nghiệp xuất khẩu

Tính chung 6 tháng đầu năm, kim ngạch xuất khẩu cả nước ghi nhận tăng trưởng tích cực khi đạt hơn 190 tỷ USD. Tuy nhiên, theo Bộ Công thương, để có thể đạt được mục tiêu tăng trưởng 6% so với năm trước, cần thực hiện rất nhiều giải pháp đồng bộ.

Gia công và lắp ráp chi tiết sản phẩm nhựa xuất khẩu tại một doanh nghiệp ở TP Thủ Đức, TPHCM. Ảnh: HOÀNG HÙNG
Gia công và lắp ráp chi tiết sản phẩm nhựa xuất khẩu tại một doanh nghiệp ở TP Thủ Đức, TPHCM. Ảnh: HOÀNG HÙNG

Đơn hàng đã phục hồi

Theo ông Vũ Bá Phú, Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công thương), kim ngạch xuất khẩu hàng hóa cả nước từng tháng trong suốt 6 tháng qua đều tăng trưởng dương so với cùng kỳ năm 2023. Tính chung 6 tháng đầu năm 2024, kim ngạch xuất khẩu ghi nhận đạt 190,08 tỷ USD, tăng 14,5% so với cùng kỳ.

Để đạt những kết quả trên, Bộ Công thương đã triển khai nhiều giải pháp song song trong và ngoài nước. Trong nước, nổi bật là kết hợp với địa phương tổ chức xúc tiến thương mại xuất khẩu trên quy mô vùng tại Lào Cai, Hà Nội, Đắk Lắk và TPHCM. Theo đó, các cơ quan chức năng, địa phương đã trực tiếp “xắn tay”, tháo gỡ những nút thắt xuất khẩu cho từng nhóm ngành hàng, từng doanh nghiệp đang gặp phải. Cụ thể là việc tháo gỡ điểm nghẽn liên quan đến các hoạt động tăng chi phí logistics, thiếu tàu vận chuyển, thời gian vận chuyển để giảm tối đa ảnh hưởng đến tiến độ giao hàng mà doanh nghiệp đã ký kết... Cùng với đó, các doanh nghiệp cũng được hỗ trợ kỹ năng nâng cao chất lượng sản phẩm, đáp ứng rào cản kỹ thuật của thị trường nhập khẩu.

Bên cạnh đó, ở thị trường nước ngoài, các thương vụ Việt Nam thường xuyên cập nhật thông tin xu hướng thị trường, hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận đối tác để mở rộng thị trường và giảm thiểu rủi ro trong quá trình xuất khẩu. Gần đây nhất, Bộ Công thương đã phối hợp với các thương vụ Việt Nam tại một số thị trường xuất khẩu chủ lực như Hoa Kỳ, châu Âu, Trung Quốc, ASEAN… chủ động tổ chức nhiều hoạt động xúc tiến thương mại trên cả thị trường truyền thống như Trung Quốc, EU, Hoa Kỳ… lẫn thị trường mới như Đông Âu, Trung Á. Các chuỗi hoạt động này đã ghi nhận có đến 2.000 doanh nghiệp tham gia, kết nối với đối tác và ký kết các hợp đồng. Các sản phẩm của ngành xuất khẩu chủ lực Việt Nam thông qua kết nối với thương vụ nước ngoài đã được duy trì hiện diện tại nhiều hoạt động giao thương trọng điểm trên toàn cầu.

E5d.jpg
Kim ngạch xuất khẩu 6 tháng đầu năm 2024 và 6 tháng đầu năm 2023

Hỗ trợ khai thác thị trường

Điểm sáng thị trường xuất khẩu đã khá rõ nét, trong đó khá nhiều doanh nghiệp đã xoay trở, thay đổi, tìm kiếm thị trường mới như Hàn Quốc, Nhật Bản, Trung Quốc và Đông Nam Á… để bù đắp sự suy giảm thị trường truyền thống. Tuy nhiên, nhìn chung vẫn còn nhiều thách thức đối với xuất khẩu.

E5c.jpg
Doanh nghiệp tham quan hội chợ Tìm nguồn cung ứng Việt (Vietnam Sourcing 2024) vừa diễn ra tại TPHCM. Ảnh: HOÀNG HÙNG

Ông Nguyễn Phước Hưng, Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp TPHCM, nhận xét, các rủi ro chính trị đã góp phần thu hẹp nhu cầu tiêu dùng trên thế giới, dẫn đến từng ngành có những diễn biến trái chiều khi xuất khẩu. Chẳng hạn, ngành chế biến lương thực thực phẩm có nhiều điều kiện thuận lợi về thị trường nên đã đạt kim ngạch xuất khẩu gần 3 tỷ USD cho 6 tháng đầu năm, tăng gần 70% so với cùng kỳ. Ngược lại, sản phẩm đồ uống, cơ khí, thiết bị điện, giấy... có lượng tồn kho lớn - chỉ số báo hiệu xu hướng suy giảm tổng cầu trong các tháng tiếp theo. Ông Nguyễn Anh Đức, Chủ tịch Hiệp hội các nhà bán lẻ Việt Nam, cho biết, sự gia tăng đáng kể hàng hóa tiêu dùng giá rẻ từ các nước đã tạo áp lực đáng kể cho doanh nghiệp Việt. Mặt khác, doanh nghiệp đang “đau đầu” vì phí vận tải biển tăng gấp đôi: giá cước container 40 feet đi châu Âu đã tăng từ hơn 2.000 USD lên tới 5.000 USD. Thực tế này đã đẩy doanh nghiệp rơi vào nguy cơ tăng kim ngạch xuất khẩu nhưng bị vẫn bị lỗ doanh thu.

Trước thực tế đó, nhiều doanh nghiệp kiến nghị giải quyết nguy cơ cạn kiệt dòng tiền nhằm hỗ trợ xuất khẩu, dù Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước đã ban hành nhiều chính sách hỗ trợ doanh nghiệp nhưng một số chính sách chưa có hiệu quả cao. Ví dụ, Nghị quyết số 43/2022/QH14 về hỗ trợ lãi suất (2%/năm) cho một số ngành, lĩnh vực, doanh nghiệp... nhưng đến nay chỉ giải ngân được khoảng 1.218 tỷ đồng, tương đương khoảng 3,05% tổng quy mô chính sách đến hết năm 2023. Mặt khác, Nhà nước cần có các cơ chế, chính sách để phát triển, thu hút, đảm bảo vận hành hiệu quả các nguồn vốn từ các sản phẩm tài chính khác (quỹ đầu tư bất động sản, quỹ tiết kiệm nhà ở...) hay kênh khác (đầu tư trực tiếp, gián tiếp nước ngoài).

“Để duy trì đà tăng trưởng cho xuất khẩu trong bối cảnh kinh tế thế giới tiếp tục diễn biến phức tạp, Bộ Công thương tăng cường làm việc với các quốc gia là thị trường xuất khẩu tiềm năng để xây dựng chính sách tiếp cận phù hợp, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp khai thác. Trong thời gian tới, doanh nghiệp và địa phương cần chủ động gửi thông tin về đơn hàng cung ứng, sản phẩm mẫu của mình cho các thương vụ nước ngoài để có giải pháp chủ động kết nối đối tác có nhu cầu phù hợp”, ông Vũ Bá Phú khẳng định.

Ngày 4-7, Bộ Công thương đã thông tin về kết quả xuất nhập khẩu các loại hàng hóa của Việt Nam trong nửa đầu năm 2024 với tổng kim ngạch ước đạt tới 368,53 tỷ USD, tăng 15,7% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, xuất khẩu tăng 14,5%; nhập khẩu tăng 17%. Cán cân thương mại hàng hóa xuất siêu 11,63 tỷ USD. Thứ trưởng Bộ Công thương Phan Thị Thắng đánh giá, với sự phục hồi của thị trường thế giới, các đơn hàng xuất khẩu gia tăng nên hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa trong nửa đầu năm 2024 tiếp tục khởi sắc và đạt được những kết quả tích cực.

Cùng ngày, hơn 200 chuyên gia, doanh nghiệp đã tham dự hội nghị “Giao dịch ngoại thương hiện thời: Sự đổi hướng trong chiến lược kinh doanh và quản lý tranh chấp” do Trung tâm Xúc tiến thương mại và đầu tư TPHCM (ITPC) phối hợp cùng Trung tâm Trọng tài quốc tế Việt Nam (VIAC) tổ chức. Tại hội nghị, ông Nguyễn Hữu Nam, Phó Giám đốc Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam chi nhánh khu vực TPHCM, cho rằng, để giảm thiểu rủi ro pháp lý trong hoạt động xuất nhập khẩu, doanh nghiệp cần hiểu rõ tính chất, đặc điểm của hợp đồng ngoại thương, hợp đồng được điều chỉnh bởi văn bản quy phạm pháp luật nào, có tiềm ẩn rủi ro về chính trị, văn hóa hay không. Doanh nghiệp cũng cần rà soát, đánh giá về năng lực chủ thể giao kết, điều kiện giao dịch, quy định pháp luật của nước sở tại để chủ động ứng phó với rủi ro có thể phát sinh trong quá trình thực hiện hợp đồng...

VĂN PHÚC - MINH XUÂN

Tin cùng chuyên mục