Kim ngạch xuất khẩu rau quả năm 2025 của Việt Nam sẽ đạt 8 tỷ USD

Ngày 8-1, tại TPHCM, Hiệp hội Rau quả Việt Nam tổ chức buổi tọa đàm “Tương lai xanh cho ngành rau, hoa, quả Việt Nam: sản xuất hữu cơ và nông nghiệp tuần hoàn”, với sự tham dự của các chuyên gia nông nghiệp trong và ngoài nước, các doanh nghiệp sản xuất rau quả.

Nông dân tỉnh Tiền Giang thu hoạch sầu riêng tại vườn
Nông dân tỉnh Tiền Giang thu hoạch sầu riêng tại vườn

Theo Ban tổ chức, 2024 được đánh giá là một năm thành công rực rỡ của ngành rau quả xuất khẩu Việt Nam từ trước tới nay. Việt Nam đã đạt được mức xuất khẩu rau quả lên tới 7,1 tỷ USD, tăng 27% so với năm 2023 (5,6 tỷ USD).

1000013631.jpg
Ông Đặng Phúc Nguyên, Tổng thư ký Hiệp hội Rau quả Việt Nam chia sẻ tương lai xanh cho ngành rau quả Việt Nam

Các chuyên gia dự báo, kim ngạch xuất khẩu rau quả năm 2025 sẽ đạt mức 8 tỷ USD, tiếp tục đà tăng trưởng mạnh mẽ. Với những nỗ lực không ngừng, ngành rau quả Việt Nam có thể đạt được kim ngạch xuất khẩu 10 tỷ USD/năm trong thời điểm năm 2030, sánh ngang với ngành thủy sản hiện nay.

Hiện nay ngoài sầu riêng, nhiều loại trái cây khác như chuối, mít, xoài, nhãn, vải thiều, thanh long cũng có tiềm năng xuất khẩu lớn và sẽ được đẩy mạnh phát triển xuất khẩu tươi và chế biến đông lạnh, sấy khô...

FB_IMG_1717749846005.jpg
Người dân huyện Củ Chi trồng rau, củ hữu cơ trong vườn nhà

Tại buổi tọa đàm, ông Đoàn Hữu Tiến, Giám đốc Trung tâm chuyển giao tiến bộ kỹ thuật – Viện cây ăn quả miền Nam nhận định, để đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của thị trường quốc tế, chất lượng sản phẩm rau quả cần được chú trọng nâng cao, đảm bảo các tiêu chuẩn về an toàn vệ sinh thực phẩm. Sản xuất hữu cơ và nông nghiệp tuần hoàn đang là 2 xu hướng phát triển bền vững được nhiều quốc gia trên thế giới quan tâm, Việt Nam cũng không ngoại lệ.

Ngành nông nghiệp nước ta phải tạo ra sản phẩm rau quả hữu cơ, không chứa chất độc hại như hóa chất bảo vệ thực vật tồn dư, các kim loại nặng, bảo vệ tối đa sức khỏe người tiêu dùng; đồng thời phát triển môi trường nông nghiệp bền vững, thích ứng với biến đổi khí hậu lâu dài như xâm nhập mặn, hạn hán...

969f4adfde97937c8a6ce6cbf90a9e87-2022-06-1609-41-01-1656732872446-1656732872746778491548.jpg
Nông dân tỉnh Đắk Lắk thu hoạch sầu riêng

Trong khi đó, ông Đặng Phúc Nguyên, Tổng thư ký Hiệp hội Rau quả Việt Nam cho rằng, để phát triển sản xuất hữu cơ một cách bền vững, ngành nông nghiệp nước nhà cần có những giải pháp đồng bộ từ nhiều phía. Chính phủ cần có những chính sách hỗ trợ mạnh mẽ, doanh nghiệp cần xây dựng chuỗi giá trị hiệu quả, và người nông dân cần được trang bị kiến thức và kỹ năng.

Cụ thể, các cơ quan hữu quan cần nâng cao nhận thức về lợi ích của sản xuất hữu cơ và nông nghiệp tuần hoàn đến mọi tầng lớp xã hội, các trang trại, hợp tác xã và từng nông dân sản xuất; hỗ trợ nông dân thông qua huấn luyện, cung cấp kiến thức khoa học kỹ thuật, vốn vay ưu đãi để nông dân chuyển đổi sang sản xuất hữu cơ. Bên cạnh đó, tổ chức xét cấp chứng nhận minh bạch, xây dựng chuỗi liên kết sản xuất với tiêu thụ, tạo ra các thị trường ổn định cho sản phẩm hữu cơ; phát triển đầu tư nghiên cứu để tìm ra các giống cây trồng thích hợp, tìm ra các giải pháp hiệu quả phù hợp với điều kiện canh tác của Việt Nam.

Tin cùng chuyên mục