Kìm giá, kích cầu tiêu dùng

Từ đầu năm 2024 đến nay, giá một số mặt hàng tiêu dùng đã tăng đáng kể. Trước nỗi lo giá hàng hóa có thể “té nước theo mưa” cùng đợt tăng lương từ ngày 1-7, ngành công thương TPHCM đang phối hợp tìm cách “kìm giá”, bình ổn thị trường…

Kìm giá, kích cầu tiêu dùng

Chợ lẻ, cửa hàng nhỏ… tăng giá

Sau 2 giờ dạo chợ, bà Nguyễn Thị Lanh (quê Tiền Giang, tạm trú tại quận 11, TPHCM) chỉ mua được 1kg thịt heo, 1 chai dầu ăn loại 0,5 lít và 3 chục trứng gà. Bà nhẩm tính, từ đầu năm đến nay một số mặt hàng tăng giá liên tục. Ví dụ, thịt ba rọi có giá từ 150.000-160.000 đồng/kg, tăng khoảng 50.000 đồng/kg so với nửa năm trước. Chân gà cũng tăng khoảng 20.000 đồng/kg ở mức 60.000 đồng/kg chân gà nội địa, 90.000-100.000 đồng/kg chân gà nhập khẩu.

“Tổng thu nhập của hai vợ chồng tôi khoảng 10 triệu đồng/tháng. Giá đồ ăn, hàng tiêu dùng đều tăng so với nửa năm trước khiến bài toán chi tiêu càng khó cân đối hơn”, bà Lanh nói.

Ông Mai Vinh Phúc, ngụ gần chợ đầu mối Thủ Đức (TP Thủ Đức, TPHCM) cho hay, giá trái cây, một số mặt hàng rau củ bán lẻ tăng từ 3.000-10.000 đồng/kg so với cuối năm trước. Vì thế, quán bún của ông phải tăng 2.000 đồng/tô nhỏ và 5.000 đồng/tô lớn. Theo ông, mặt bằng kinh doanh vừa đến thời hạn ký lại và chủ nhà tăng giá 10%, nhiều khoản chi phí không tên khác cũng nhích giá.

“Tăng giá chỉ bù đắp phần nào chi phí trượt giá nhưng là áp lực không nhỏ đối với đa số người lao động”, ông Phúc nói.

Ông Nguyễn An, chủ tiệm tạp hóa nhỏ trên đường Phan Huy Ích (quận Gò Vấp) chia sẻ, các mặt hàng rau củ, trái cây, đồ khô… đều tăng giá so với vài tháng trước. Các mặt hàng lấy trực tiếp tại chợ đầu mối đều tăng đáng kể như ớt hiểm hiện giá 35.000 đồng/kg, tăng 15.000 đồng/kg so với đầu tháng 3; cà chua tăng giá gấp đôi, ở mức 22.000 đồng/kg; xà lách búp tăng 5.000 đồng/kg, ở mức 15.000 đồng/kg… Nhóm hàng khô như mì gói, bún, phở, bánh tráng… cũng tăng nhẹ từ 2.000 - 3.000 đồng mỗi món, tùy loại. Các loại trứng gà, trứng vịt tăng từ 3.000-5.000 đồng/chục…

Kích cầu mua sắm quy mô lớn

Sở Công thương TPHCM đã khởi động “Mùa mua sắm khuyến mại tập trung” (Shopping season 2024), giảm giá sâu nhiều mặt hàng tiêu dùng. Trong đó, đợt 1 kéo dài từ 15-6 đến 15-9. Sở Công thương cũng phối hợp với Sở Du lịch đưa các chương trình khuyến mãi vào tour du lịch để giới thiệu đến khách trong và ngoài nước.

Về phía hệ thống bán lẻ hiện đại, Co.op Mart đang có chương trình khuyến mãi, giảm giá nhiều nhất đến 50% các mặt hàng thực phẩm ăn liền, món ăn nhẹ… cho khách thức khuya xem bóng đá. Tập đoàn Central Retail (sở hữu chuỗi siêu thị GO!, BigC, Tops Market…) cho biết đang có khuyến mại tốt, giảm cao nhất tới 49% cho nhiều mặt hàng gồm rau củ, trái cây, đồ tiêu dùng...

Theo Cục Thống kê, trong 6 tháng đầu năm 2024, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng ước đạt 557.545 tỷ đồng, tăng 10% so với cùng kỳ. Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân 6 tháng đầu năm tăng khoảng 3,2%.

Theo ông Đinh Quang Khôi, Giám đốc Marketing MM Mega Market Việt Nam, việc tăng cường khuyến mãi, giảm giá sản phẩm sẽ kích thích người tiêu dùng mua sắm. Ông cũng kỳ vọng sẽ có những chương trình giá tốt, ổn định quanh năm hỗ trợ khách hàng, nhất là người lao động khó khăn. Về phía siêu thị, đơn vị luôn tìm cách tiếp cận những nguồn hàng chất lượng, giá ưu đãi nhất giới thiệu tới khách mua hàng.

Ở góc độ cơ quan quản lý chuyên ngành, ông Nguyễn Nguyên Phương, Phó Giám đốc Sở Công thương TPHCM chia sẻ, sự kiện khuyến mãi tập trung được kỳ vọng giúp TP đạt mục tiêu kép, gia tăng tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng, đồng thời kiềm chế lạm phát cũng như đảm bảo an sinh xã hội.

Nhằm thu hút sự tham gia rộng rãi của cộng đồng doanh nghiệp vào hoạt động kích cầu tiêu dùng, Sở Công thương nỗ lực làm cầu nối, có chính sách hỗ trợ miễn phí hoặc giảm phí thuê mặt bằng cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa; hỗ trợ doanh nghiệp quảng bá thương hiệu đến người tiêu dùng… Ngành công thương TPHCM cũng tập trung thực hiện chương trình bình ổn quy mô lớn xuyên suốt, quanh năm.

Tin cùng chuyên mục