Gia tăng lượng kiều hối
Ngân hàng Nhà nước (NHNN) chi nhánh TPHCM cho biết, trong 11 tháng qua, kiều hối về TPHCM khoảng 6,2 tỷ USD. Doanh số chi trả kiều hối của các ngân hàng thương mại và công ty kiều hối gửi về NHNN chi nhánh TPHCM trong quý 3 cao hơn dự kiến, ngay cả trong thời gian dịch bệnh tăng cao. Nguồn kiều hối chảy về TPHCM chủ yếu từ các thị trường Mỹ, Australia, Canada và châu Âu…
Theo các chuyên gia, kiều hối gia tăng mạnh trong năm nay một phần vì TPHCM bị ảnh hưởng dịch nặng nề, thực hiện giãn cách xã hội thời gian dài, nên người ở nước ngoài đã chuyển tiền về hỗ trợ người thân, hỗ trợ cộng đồng khắc phục hậu quả do dịch gây ra.
Chị Lê Hương (quận 4, TPHCM), chuyên buôn bán tạp hóa tại nhà, cho biết, mọi năm anh trai sống và làm việc tại Đức đều gửi tiền về hỗ trợ gia đình vào dịp tết vì chị đang chăm sóc mẹ già. Tuy nhiên, năm nay, khi biết dịch bệnh kéo dài, đời sống khó khăn nên anh trai gửi tiền về sớm hơn.
“Với số tiền được chuyển về trong đợt dịch vừa qua, tôi có thể trang trải cuộc sống trong mấy tháng giãn cách không có thu nhập. Số tiền còn dư, tôi dùng làm vốn lấy thêm hàng hóa để bán sau khi hết giãn cách”, chị Hương kể.
Còn anh Nguyên Hưng (quận 3, TPHCM) cũng cho biết, vừa nhận 2.000 USD từ Công ty Kiều hối Sacombank do em gái gửi từ Mỹ về biếu ba mẹ dịp tết. Gia đình em gái anh Hưng mở tiệm cắt tóc, mặc dù dịch Covid-19 có ảnh hưởng nhưng được trợ cấp của Chính phủ Mỹ nên vẫn có thu nhập, dành dụm được chút ít.
Không chỉ giúp đỡ thân nhân, chị Thúy Nhàn (quận Bình Thạnh, TPHCM) cho biết, gia đình chị gái ở Mỹ có kế hoạch về Việt Nam ăn tết và đi du lịch, nhưng do dịch bệnh, chuyến bay về Việt Nam khó khăn, lại đắt đỏ nên chị gái đã gửi về 30.000 USD nhờ chuyển sang VND để gửi tiết kiệm. Tuy nhiên, do lãi suất ngân hàng hiện khá thấp nên chị Nhàn đã thuyết phục chị gái chuyển qua đầu tư chứng khoán, hy vọng mức sinh lời khá hơn.
Ông Nguyễn Hoàng Minh, nguyên Phó Giám đốc phụ trách NHNN chi nhánh TPHCM, cho biết, những năm trước đây, kiều hối về TPHCM tập trung chủ yếu vào sản xuất kinh doanh. Tuy nhiên, do dịch Covid-19 trong nước diễn biến phức tạp, các hoạt động kinh doanh bị đình trệ, nên kiều hối năm nay tập trung vào an sinh xã hội, hỗ trợ thân nhân trong nước vượt qua khó khăn.
Theo ông Minh, do tỷ giá trong nước ổn định, các ngân hàng giữ ngoại tệ không lãi suất nên hơn 70% người dân nhận kiều hối đều chuyển sang VND; khoảng 12% chảy vào tài khoản ngoại tệ cá nhân, hơn 13% gửi tiết kiệm. “Do lãi suất tiền gửi trong năm 2021 giảm nên một lượng kiều hối chảy qua các kênh đầu tư khác như chứng khoán, bất động sản”, ông Minh cho hay.
Dự báo vượt mức 18 tỷ USD
Trong năm 2021, Ngân hàng Thế giới (WB) ước tính lượng kiều hối chảy vào các quốc gia thu nhập thấp và trung bình sẽ hồi phục và tăng 5,6%, lên 470 tỷ USD. Tuy nhiên, triển vọng này vẫn còn phụ thuộc vào tác động của dịch Covid-19 đối với tăng trưởng toàn cầu và các biện pháp kiềm chế sự lây lan của dịch bệnh ở các nước.
Theo dự báo của WB, lượng kiều hối về Việt Nam năm 2021 ở mức 18,1 tỷ USD, đứng thứ 8 thế giới và đứng thứ 3 trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Năm trước, lượng kiều hối về Việt Nam đạt 17,2 tỷ USD - nằm trong top 10 quốc gia nhận kiều hối nhiều nhất thế giới.
Theo nhận định của giới chuyên gia, Việt Nam nhận nguồn kiều hối lớn vì có số lượng lớn người Việt định cư ở nước ngoài và đi xuất khẩu lao động. Hiện có khoảng 4,5 triệu người Việt đang định cư ở hơn 100 nước và vùng lãnh thổ, tập trung ở nhiều quốc gia phát triển. Số lao động làm việc ở nước ngoài có khoảng 580.000 người.
Lãnh đạo một công ty kiều hối tại TPHCM cũng cho biết, tăng trưởng kiều hối 11 tháng qua tăng 50% so với cùng kỳ năm trước. NHNN chi nhánh TPHCM cũng dự báo trong tháng cuối năm, lượng kiều hối chuyển về nước thường tăng cao, ước lượng kiều hối về TPHCM sẽ vượt con số 6,5 tỷ USD, tăng hơn 6,5% so với năm 2020.
Theo ông Nguyễn Hoàng Minh, nhiều năm qua, kiều hối không chỉ giúp đỡ thân nhân trong nước, chảy vào sản xuất kinh doanh góp phần hỗ trợ cho sự phát triển kinh tế thành phố, mà còn là nguồn cung giúp ổn định nguồn ngoại tệ, tác động tích cực đến thị trường ngoại hối trên địa bàn TPHCM nói riêng và cả nước nói chung.
"Dòng kiều hối góp phần hỗ trợ trực tiếp các chương trình của Chính phủ giúp đỡ nhiều gia đình gặp khó khăn kinh tế do đại dịch Covid-19. Do đó, các quốc gia cần có chính sách tạo điều kiện cho dòng kiều hối được trở về để hỗ trợ cho đà phục hồi kinh tế sau đại dịch. Các nhân tố chính đóng góp cho sự tăng trưởng mạnh mẽ của kiều hối toàn cầu là quyết tâm giúp đỡ gia đình kịp thời của người di cư; sự phục hồi kinh tế ở châu Âu và Mỹ nhờ lực đẩy từ các gói kích thích tài khóa và chương trình hỗ trợ việc làm…" Ông Michal Rutkowski Giám đốc Toàn cầu của WB về an sinh xã hội và việc làm |