Mỗi năm một tăng
Thông tin từ Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài, trong 12 năm trở lại đây, lượng kiều hối gửi về nước tăng 10% - 15%/năm. Cụ thể, số liệu từ WB cho biết, năm 2016 là gần 11,9 tỷ USD, năm 2017 là 13,8 tỷ USD, con số này trong năm 2018 ước đạt là 15,9 tỷ USD, tương đương 6,6% GDP cả nước.
Là địa bàn thu hút lượng liều hối lớn nhất nước, ông Nguyễn Hoàng Minh, Phó Giám đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) chi nhánh TPHCM, cho biết bất chấp việc dòng vốn toàn cầu đang rút khỏi các nền kinh tế mới nổi, cũng như xu hướng thắt chặt tiền tệ trên thế giới, hay lãi suất USD trong nước đã giảm về 0% 2 năm qua, dòng kiều hối vẫn chảy mạnh về Việt Nam trong năm nay, chủ yếu từ thị trường Mỹ (chiếm khoảng 60%), các nước châu Âu chiếm khoảng 19%, còn lại là các thị trường khác.
Theo ông Minh, con số 5,2 tỷ USD kiều hối chảy về TPHCM theo dự báo sẽ thành hiện thực. “Trong bối cảnh này, đây là điều rất đáng ghi nhận”, ông Minh cho hay.
Lãnh đạo một ngân hàng thương mại có công ty kiều hối tại TPHCM cũng nhận định, trong năm 2018, FED 4 lần nâng lãi suất cơ bản đồng USD lên mức 2,25% - 2,5% đã làm tăng áp lực tỷ giá lên VND, trong khi NHNN vẫn duy trì chính sách lãi suất tiền gửi ngoại tệ ở mức 0%.
Bên cạnh đó, việc Mỹ áp dụng chính sách tăng thuế nhập khẩu đối với hàng trăm mặt hàng từ Trung Quốc khiến hàng hóa nhập khẩu ở Mỹ trở nên đắt đỏ hơn, Việt kiều sẽ phải chi tiêu nhiều hơn nên sẽ ít dư tiền để gửi về cho người thân. Do vậy, nhiều ý kiến lo ngại kiều hối trong năm 2018 sẽ giảm. Thế nhưng những yếu tố này không phải là rào cản của kiều hối. “Ước lượng kiều hối mà công ty chuyển tăng hơn 10% so với năm 2017”, vị này cho hay.
Đại diện Vụ Ngoại hối (NHNN) cũng cho biết, không những không cản lối kiều hối mà chính sách lãi suất 0% đối với ngoại tệ của NHNN 2 năm qua đã có tác động tốt, tạo nền tảng ổn định cho VND. Chính vì thế, thời gian qua, thay vì cất trữ ngoại tệ từ nguồn kiều hối, nhiều người đã đổi từ USD sang VND để gửi tiết kiệm nhằm hưởng lãi suất vì lợi hơn nhiều.
Chủ yếu chảy vào sản xuất kinh doanh
Ông Lương Thanh Nghị, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài, cho biết trong năm 2018, các nhóm và các cá nhân trí thức kiều bào có nhiều hoạt động sôi nổi, kết nối nguồn lực quốc tế về nước. Ngoài các lĩnh vực truyền thống, những đóng góp về tri thức của kiều bào đã đi vào những vấn đề nóng, phù hợp với xu thế chung của thế giới và nhu cầu của Việt Nam như khởi nghiệp sáng tạo, các vấn đề về cách mạng công nghiệp 4.0.
Hiện có gần 3.000 doanh nghiệp người Việt Nam ở nước ngoài đang hoạt động, đầu tư trên cả nước với tổng số vốn khoảng 4 tỷ USD. Điều đáng nói là khoảng 60% lượng kiều hối về nước được sử dụng cho đầu tư, sản xuất, kinh doanh, thay vì chảy vào tiêu dùng hay gửi tiết kiệm tại ngân hàng như trước đây.
Đại diện Ủy ban về người Việt Nam ở nước ngoài tại TPHCM cho biết, những năm gần đây, làn sóng kiều bào trở về quê hương khởi nghiệp ngày càng trở nên mạnh mẽ. Chỉ tính riêng khu vực TPHCM, mỗi năm có khoảng 30.000 người Việt trẻ ở nước ngoài về thăm quê, tìm kiếm cơ hội kinh doanh bằng các dự án khởi nghiệp.
Thống kê của Sở Khoa học và Công nghệ TPHCM cũng cho thấy, tại TPHCM đã có hơn 20 đối tác nước ngoài liên kết hỗ trợ và khoảng 760 doanh nghiệp khởi nghiệp được hình thành. Trong số này có khá nhiều các dự án xuất phát từ các ý tưởng khởi nghiệp của các Việt kiều trẻ tuổi về nước từ các nền kinh tế phát triển như Mỹ, Pháp, Canada, Australia…
Thực tế cũng cho thấy, trong 3 năm gần đây, tại TPHCM đã có sự xuất hiện của hàng trăm mô hình khởi nghiệp do các Việt kiều trẻ tuổi khởi xướng và đầu tư. Trong đó, không ít các doanh nghiệp đã thành công trên thị trường.
Ngày 27-12, tại TP Vinh, Bộ Ngoại giao phối hợp với UBND tỉnh Nghệ An tổ chức Hội nghị Kết nối kiều bào với địa phương, chủ đề “Kiều bào chung sức xây dựng quê hương hội nhập và phát triển”. Kiều bào ta đã và đang có những đóng góp tích cực cho sự phát triển của đất nước. Tính từ năm 1993 đến năm 2018, tổng lượng kiều hối chuyển về nước khoảng 143 tỷ USD, trong đó năm 2018 ước đạt 15,9 tỷ USD. Hiện nay, có khoảng 3.000 doanh nghiệp của kiều bào đầu tư về nước với tổng số vốn 4 tỷ USD tại 47 tỉnh thành trên cả nước. Riêng tại Nghệ An, hiện có 13 dự án của các doanh nghiệp kiều bào về đầu tư với tổng vốn đăng ký khoảng 6.000 tỷ đồng. Hàng năm, lượng kiều hối chuyển về tỉnh này khoảng 500 triệu USD. Nghệ An là một trong những tỉnh có số lượng kiều bào đông nhất trong cả nước với khoảng trên 75.000 người đang sinh sống, lao động và học tập ở khắp các quốc gia trên thế giới. DUY CƯỜNG |