Kiều bào về nước khởi nghiệp

Bằng nhiệt huyết với quê hương đất nước, nhiều chuyên gia, trí thức kiều bào trẻ đã về Việt Nam khởi nghiệp, đạt được kết quả ban đầu đáng khích lệ. Hoạt động khởi nghiệp mang tính đổi mới sáng tạo của kiều bào trẻ đã và đang giải quyết các vấn đề cụ thể, thiết thực của đất nước.
Kiều bào về nước khởi nghiệp

Bằng nhiệt huyết với quê hương đất nước, nhiều chuyên gia, trí thức kiều bào trẻ đã về Việt Nam khởi nghiệp, đạt được kết quả ban đầu đáng khích lệ. Hoạt động khởi nghiệp mang tính đổi mới sáng tạo của kiều bào trẻ đã và đang giải quyết các vấn đề cụ thể, thiết thực của đất nước.

Biến trấu thành… vàng

Mỗi năm, Việt Nam sản xuất khoảng 45 triệu tấn lúa. Sau khi xay xát lúa gạo, có khoảng 9 triệu tấn trấu được “thải” ra. Anh Nguyễn Việt Hùng (kiều bào Nga) lại có cách tiếp cận khác về phế phẩm trấu: biến trấu thành năng lượng sinh khối (nhiệt năng hoặc điện năng) và Silica (SiO2 - Dioxit Silic). Nhờ những người bạn Nga, anh Nguyễn Việt Hùng và các đồng sự là anh Nguyễn Quang Trung (kiều bào Nga), Bùi Việt Hà (kiều bào Thụy Điển) thành lập Doanh nghiệp xã hội BSB, nhằm giới thiệu tới cộng đồng giải pháp xử lý trấu tiên tiến, mang lại giá trị gia tăng cao. Theo anh Hùng, Silica là sản phẩm rất giá trị thu được bằng công nghệ đốt vỏ trấu đặc biệt, với hàm lượng SiO2  cao, ở dạng vô định hình, có thể làm nguyên liệu, phụ liệu cho rất nhiều ngành công nghiệp như sản xuất sắt thép, cao su, sơn, thủy tinh, bê tông, vỏ ô tô, mỹ phẩm, thực phẩm, y tế… Hiện nay, một hãng sơn ở Việt Nam đã sử dụng Silica từ tro trấu với giá thành giảm một nửa so với giá nhập khẩu để làm sơn tự làm sạch, sơn chống cháy và xuất khẩu nhiều sang các nước trong khu vực.

Anh Hùng ước tính, với giá 600.000 -  1 triệu đồng/tấn tại nhà máy xay xát như hiện nay, 9 triệu tấn vỏ trấu mỗi năm thu được khoảng 300 triệu USD, bằng khoảng 10% xuất khẩu gạo. Nhưng nếu đổi đời trấu thêm một lần nữa, sẽ có sự đột phá. Anh Hùng phân tích, từ tro trấu tinh lọc Silica sản xuất ra SiO2 có độ tinh khiết 98,5% thì có thể thu về cả 10 tỷ USD từ trấu (với giá trung bình 15 - 20USD/kg)! Và đó chính là “vẻ đẹp của bông hoa silica từ tro trấu” mà anh Hùng và các cộng sự đang nỗ lực tạo nên, bước đầu là chuẩn bị khai trương nhà máy tại đồng bằng sông Cửu Long.

Kiều bào trẻ giúp những người yêu thích kỹ thuật biến ý tưởng thành sản phẩm trong không gian mở Fablab Sài Gòn

Là một trong những người kế nghiệp của người sáng lập Công ty TNHH Nhựa Phước Thành, anh Châu Bá Long (kiều bào Úc) được gia đình đưa sang Úc học với dự định chuẩn bị thế hệ lãnh đạo F2 cho công ty. Sau khi học xong, anh Long lăn lóc đi làm thuê 5 năm ở các lĩnh vực rồi trở về làm Phó Tổng giám đốc quản lý nguồn tiền ở Nhựa Phước Thành. Năm 2015, thay vì chuẩn bị làm người kế thừa, anh Long bất ngờ mở ra một hướng đi mới: thành lập Công ty cổ phần Công nghiệp hỗ trợ Minh Nguyên, chính thức đi vào công nghiệp hỗ trợ cho ngành điện, điện tử với mong muốn tiếp cận, lọt vào chuỗi cung ứng cho Tập đoàn Samsung. Anh Long tâm sự, là người Việt Nam, anh có chút chạnh lòng khi những thông tin “doanh nghiệp Việt không có khả năng sản xuất nổi cái ốc vít cho Samsung” tràn ngập trên mặt báo. Để cải thiện tình hình chung, anh Long quyết tâm thay đổi chính tư duy của mình và công ty của mình: không ỷ lại, luôn học hỏi cái mới để đáp ứng ngay các yêu cầu liên tục mới của Samsung; quản lý công ty theo chuẩn quốc tế để chất lượng sản phẩm luôn ổn định từng ngày... Vượt qua nhiều bước thử thách, năm 2016, Minh Nguyên là công ty “100% Việt Nam” đầu tiên được Tập đoàn Samsung chọn là nhà cung ứng cấp 1 cho tổ hợp sản xuất các sản phẩm điện tử và điện gia dụng.

Vì cộng đồng

Sau 2 năm, mô hình học tập cộng đồng tại Việt Nam (Fablabs Việt Nam) đã có 7 Fablabs tại TPHCM, Huế, Hà Nội, Cần Thơ… Nhóm kiều bào Pháp đồng sáng lập gồm chị Dương Hoàng Quỳnh Hương, chị Phan Hoàng Anh, anh Huỳnh Công Thắng quyết định thành lập Fablabs Việt Nam với tâm niệm “khi đưa cho con người những công cụ đúng, thì con người có thể tạo ra những điều đặc biệt” và mong muốn ngày càng có nhiều sản phẩm kỹ thuật “made in Vietnam”. Mô hình này xuất hiện đầu tiên tại Hoa Kỳ vào năm 2001 và hiện có 1.500 Fablabs toàn cầu. Tại Việt Nam, dự kiến 3 năm tới, sẽ có 15 Fablabs. Anh Nguyễn Trọng Nhân, Giám đốc Fablab Sài Gòn - Fablab đầu tiên trong hệ thống Fablabs ở Việt Nam, chia sẻ Fablabs là thư viện chế tác số, là không gian mở để người yêu thích kỹ thuật, nhất là các nhà sáng chế trẻ, cụ thể hóa ý tưởng của mình. Hiện nay, rất nhiều người có ý tưởng nhưng không phải ai cũng có thể vào phòng thí nghiệm trong các trường đại học, hay là có điều kiện để tự mua các máy móc công nghệ cao, máy cắt laser, máy in 3D vốn rất mắc tiền, để thực hiện ý tưởng của mình. Những người có ý tưởng có thể đến Fablabs - nơi có sẵn các thiết bị máy móc cơ bản về điện tử  và con người, để trao đổi, học hỏi, kết hợp tạo ra sản phẩm cụ thể, khởi nghiệp bằng một sản phẩm công nghệ. Các nhà đầu tư cũng có thể tìm hiểu sản phẩm, dự án kỹ thuật của người sáng chế để thương mại hóa các sản phẩm, nghiên cứu.

Về các sản phẩm được tạo thành từ Fablabs, anh Nguyễn Trọng Nhân cho biết, sản phẩm đầu tay của Fablabs Việt Nam đã lọt vào tốp 25 toàn cầu  trong cuộc thi Space Apps Challenge do NASA tổ chức. Sản phẩm nồi cơm điện biết dùng Facebook, tự động nấu cơm, khi cơm chín thì nhắn tin “cơm chín rồi, mời mọi người về nhà ăn cơm” tới tất cả thành viên trong gia đình, cũng tạo ra nhiều cảm hứng thú vị với những người sáng chế. Hiện nay, Fablabs Việt Nam liên kết với các trường học, các quỹ đầu tư, các công ty công nghệ để mở rộng các hoạt động về đào tạo giáo dục, trao đổi về khoa học kỹ thuật, chế tạo mẫu thử về phần cứng... Đặc biệt, Fablabs Việt Nam đưa máy móc công nghệ về nông thôn ở các tỉnh, thành tổ chức các buổi sáng tạo để học sinh phổ thông tham gia, trong vòng 48 giờ làm ra một sản phẩm cụ thể giải quyết các vấn đề của địa phương.

ĐƯỜNG LOAN

Tin cùng chuyên mục