Quán cơm không chia tiền lời
Đó là quán cơm văn phòng Tre Xanh (số 40/34 đường Calmette, quận 1, TPHCM), nơi đồng thời là Mái ấm Tre Xanh (thuộc Hội Bảo trợ trẻ em TPHCM). Được sự hỗ trợ tích cực từ các kiều bào trong Hội Người Việt Nam tại Pháp, mái ấm là nhà của 19 trẻ em mồ côi, lang thang cơ nhỡ trên đường phố.
Gia đình nuôi nấng 1 - 2 người con đã vất vả, nhưng gia đình Tre Xanh chăm sóc đến 19 người con, vốn trước đó thường ở ngoài đường. Thậm chí, có những em nhỏ bị cha mẹ bắt trở thành lao động chính, mái ấm đã “chuộc” các em, “mướn” các em từ chính cha mẹ, để đưa về mái ấm, cho các em đi học.
Từ đó, mái ấm nảy ra bếp ăn - quán cơm văn phòng, để trẻ lo cho trẻ. Những đứa trẻ được mái ấm đào tạo nghề bài bản, khi trưởng thành, đã quay trở lại đứng bếp, nấu cơm. Những trẻ em ít tuổi hơn, sau giờ học ở trường, đã thay nhau làm các công việc dọn dẹp, phục vụ, giao hàng…
Quán cơm mở ra không phải để chia tiền lời. Lợi nhuận có được từ bán 200 suất cơm/ngày, mục đích chính là phục vụ cho chính các em ăn uống, học hành, sinh hoạt... Như thế, một cách tự lập, từ lợi nhuận của bếp ăn, những đứa trẻ đã lo cho bản thân được một phần, bởi việc chính của các em vẫn là đến trường học tập.
Theo chia sẻ của ông Nguyễn Thanh Tòng, Phó Chủ tịch Hội Người Việt Nam tại Pháp, các kiều bào Pháp đồng hành với Mái ấm Tre Xanh nhiều năm qua là bởi muốn “làm gì đó giúp những phận đời trẻ em sinh ra đã thiếu may mắn”. Những hành động của các em ở mái ấm cũng lay động trái tim kiều bào. Em Thu, đến mái ấm trong hoàn cảnh gia đình nhỏ của mình khó khăn không cưu mang được, rồi được học nghề nấu ăn. Khi trưởng thành và có tay nghề nấu bếp vững vàng, Thu đã trở lại mái ấm, giúp đỡ cho gia đình lớn của mình.
“Một đầu bếp lương bên ngoài ít nhất khoảng 10 triệu đồng/tháng, Thu từng làm bếp ở nhiều khách sạn, nhà hàng lớn. Nhưng Thu về lại bếp, nấu cơm cho bếp chỉ với mức lương bằng một nửa bên ngoài. Đó là sự hy sinh trở lại của các em. Chính các em còn biết hy sinh lợi ích bản thân để giúp mái ấm, cùng giúp nuôi nấng các em nhỏ hơn, thì chúng tôi, những người có điều kiện ăn học đàng hoàng, có điều kiện đi đó đi đây, không thể khoanh tay ngồi nhìn”, ông Nguyễn Thanh Tòng thổ lộ.
Hỗ trợ từ tình cảm quê hương khăng khít
Ngoài Mái ấm Tre Xanh - mái nhà của các trẻ em trai lang thang, Hội người Việt Nam ở Pháp còn hỗ trợ cho Mái ấm Hoa Hồng nhỏ (quận 7) - mái nhà của các trẻ em gái nhập cư, bị hành hạ, lang thang.
Bà Lương Thị Thuận, Chủ tịch Hội Bảo trợ trẻ em TPHCM, chia sẻ rằng các hoạt động phải tự cân đối trong khi nhiều năm nay, nguồn tiền để nuôi trẻ rất hạn hẹp. Mái ấm luôn cần thêm các mạnh thường quân hỗ trợ. Nhiều đối tác đến rồi đi, nhưng riêng Hội Người Việt Nam tại Pháp trở thành đối tác, mạnh thường quân truyền thống cho nơi này. Các kiều bào giám sát thường xuyên hoạt động của mái ấm, xem việc tặng học bổng có đúng không, nuôi trẻ đúng không, dạy nghề cho trẻ có phù hợp không, bếp ăn vận hành hợp lý chưa? Hội còn phối hợp với cơ quan ngoại giao tổ chức các chương trình dạy tiếng Pháp, tiếng Anh cho trẻ em đường phố.
Bà Lương Thị Thuận xúc động: “Nhiều cô chú kiều bào lớn tuổi có thể “nghỉ cho sướng rồi”, nhưng vẫn chịu cực, chịu tốn kém, tự bỏ tiền túi đi máy bay suốt 12 tiếng để về Việt Nam lo cho trẻ. Mắc mớ gì các cô chú phải làm vậy? Chỉ có thể cắt nghĩa, đó là một tình cảm quê hương khăng khít, đậm đà. Chúng tôi trân quý sự hỗ trợ đó”.
Không chỉ hỗ trợ trẻ em tại TPHCM, Hội Người Việt Nam tại Pháp còn thực hiện nhiều dự án từ Bắc tới Nam, từ Lào Cai, Hà Nội, Hà Tĩnh, vô Quy Nhơn (Bình Định), Đắk Lắk, Tiền Giang… Các hoạt động khoa học kỹ thuật, y tế và xã hội đan xen nhau, trải khắp các vùng miền. Tại Lào Cai, kiều bào Pháp chung tay xây dựng nhà phục hồi chức năng, hỗ trợ dụng cụ nấu bếp cho trường dân tộc nội trú, tặng học bổng.
Tại Bình Định, hội đã có 10 năm hỗ trợ phương pháp điều trị bệnh phong; trao học bổng cho con em bệnh nhân phong. Tại Khánh Hòa, những người con xa xứ hỗ trợ khám bệnh, cấp thuốc điều trị cho con em người bị nhiễm chất độc da cam, hướng dẫn các kỹ thuật phục hồi chức năng cho trẻ. Tại Tiền Giang, kiều bào Pháp cho 24 gia đình vay vốn không lãi suất; tặng học bổng; giúp xây cất đài nước và hệ thống phân phối nước ngọt sạch tới 1.200 gia đình…
Điểm chung trong các hoạt động của kiều bào Pháp là không mang tính từ thiện ngắn hạn, tặng quà, tặng tiền rồi đi ngay, mà đa số các dự án đều kéo dài 3 - 10 năm, mục đích chính là có kết quả bền vững khi hỗ trợ, tiếp thêm động lực để chính các đối tượng được hỗ trợ có thêm nội lực, tự vươn lên vững vàng trong cuộc sống. Hướng về mọi mặt chung tay xây dựng đất nước, song đại diện của Hội Người Việt Nam tại Pháp luôn khiêm tốn: “Những việc làm của chúng tôi mới chỉ là hạt cát nhỏ”. |